Tiếp cận doanh nghiệp từ sớm là cơ hội giúp sinh viên ra trường nắm bắt các yêu cầu của nhà tuyển dụng để ứng tuyển vị trí việc làm
Học một ngành, làm ngành khác
Sau 2 năm gặp lại, N.T.H mời tôi mua tour du lịch Phú Quốc. Thấy tôi ngạc nhiên khi trước đây H là một SV sư phạm, H giải thích: “Tốt nghiệp xong, em làm nhân viên kinh doanh (sales) bất động sản một thời gian rồi chuyển qua làm sales các tour du lịch”.
Chuyện của H không lạ, thậm chí khá phổ biến. Chỉ riêng với những SV tôi quen biết, nhiều người tốt nghiệp kế toán lại đi làm sales; trong đó, phổ biến nhất là nghề sales, từ bất động sản đến những công việc có liên quan khác đến nghề này hay kinh doanh online tại nhà.
Thống kê từ bộ phận chức năng của ĐH Huế có 91,26% sinh viên tốt nghiệp năm 2021 có việc làm (tổng số SV có việc làm/tổng số SV có phản hồi qua khảo sát). Song, tỷ lệ SV có việc làm đúng ngành đào tạo là 44,99%; liên quan ngành đào tạo là 25,59%. Còn mới đây, kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội (kết quả có dữ liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê các năm 2018, 2019 và 2020) cho thấy, tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%.
Kết quả cũng cho thấy, tỷ lệ SV tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Tỷ lệ này ở các ngành nhân văn và nghệ thuật là 63%; các ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin là 60,6%; các ngành nông, lâm, ngư và thú y là 67%.
Thiếu định hướng nghề nghiệp
Tìm lý do cho bài toán làm việc trái ngành, nhiều SV thừa nhận đó là “kịch bản” không mong muốn. Nguyễn Thanh Cường, cựu SV một ngành về kỹ thuật chia sẻ: “Học ra trường, ai cũng muốn làm nghề mình chọn. Trên thực tế, em đi ứng tuyển một số công việc đúng chuyên ngành vẫn có được việc làm, nhưng mức lương chưa phù hợp nên phải nhảy sang việc khác”.
Có khá nhiều nguyên nhân sâu xa cho vấn đề trên, trong đó cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trần Hữu Phúc, một cựu SV ngành công nghệ của ĐH Huế, đang làm việc trong lĩnh vực kinh doanh ngành thực phẩm thẳng thắn: “Một số chương trình đào tạo còn theo lối tư duy cũ, cơ bản nặng về lý thuyết, ít về thực hành dẫn đến việc SV không áp dụng được kiến thức vào thực tiễn. Chất lượng đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội ở một ngành nghề, thêm vào đó SV yếu nhiều kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, kỹ năng giáo tiếp, ứng xử, khả năng lập kế hoạch mục tiêu và kỹ năng ngoại ngữ… khiến nhiều bạn ra trường nhận cái lắc đầu từ một số đơn vị tuyển dụng”.
Điều đáng nói, nhiều SV thừa nhận đã lãng phí 4-5 năm học ĐH chỉ vì thiếu định hướng nghề nghiệp. Trước ngưỡng cửa xét tuyển ĐH, việc chọn nghề của nhiều trường hợp phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các bậc phụ huynh. Với tâm lý luôn muốn che chở, các bậc cha mẹ thường thiên về những ngành “an toàn” mang lại nhiều danh tiếng. Riêng các học sinh cũng trở nên thụ động, định hướng nghề nghiệp chưa có, không rõ lộ trình phát triển bản thân, chạy theo những ngành nghề “hot” chỉ được hướng dẫn lý thuyết mà thiếu thực hành dẫn đến tình trạng dù đã được đào tạo, nhưng sau khi ra trường lại không biết làm gì.
Thực tế, câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông vẫn còn nhiều trăn trở, đó được xem là nguyên nhân không thể bỏ qua khi nhắc đến chuyện SV ra trường làm việc trái ngành. Trong một chia sẻ, thầy giáo Nguyễn Hướng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ đánh giá, điểm khó cho giáo viên các trường THPT là họ khó nắm hết thông tin ngành nghề, dự báo thị trường lao động mà chỉ hướng nghiệp cho các em theo kinh nghiệm. Trái lại, công tác phối hợp với các đơn vị đào tạo ĐH không phải lúc nào cũng hiệu quả.
ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, người có nhiều năm làm ở bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế thừa nhận, lâu nay một số đơn vị vẫn còn sự nhập nhằng tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Nhiều trường tập trung đến việc quảng bá thông tin ngành nghề của mình. Hướng nghiệp chưa tốt nảy sinh tình trạng nhiều SV bỏ học ngay trong những năm học đầu tiên. Thậm chí, có trường hợp tốt nghiệp xong phải rẽ sang một ngành khác, vì ngành đã chọn thực sự không đam mê và cảm thấy không phù hợp.
Giải pháp từ nhiều phía
Theo các chuyên gia, việc làm trái ngành có thể xuất phát từ cả phía cung và cầu lao động, do đó sẽ cần thêm các nghiên cứu về nhân tố tác động tới việc làm trái ngành. Tuy nhiên, nếu có những định hướng tốt hơn, tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường theo đúng lựa chọn ban đầu có thể cải thiện và sẽ giảm bớt nhiều hệ lụy.
Giải quyết vấn đề trên cần có sự liên kết chặt chẽ ngay từ khâu đầu vào, là hướng nghiệp. Các trường THPT và ĐH cần gắn kết chặt chẽ, nghiên cứu cách làm để cùng hướng đến mục tiêu tư vấn và định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho người học ngay trước mỗi mùa tuyển sinh và các chương trình định hướng lâu dài, bắt đầu từ bậc trung học cơ sở.
Ở khâu đầu ra, đơn vị đào tạo ĐH cần có sự liên kết chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, các tổ chức xã hội để tìm hiểu nhu cầu nguồn nhân lực cũng như tạo mối quan hệ giữa nhà trường với nhà tuyển dụng, SV với các cơ quan tuyển dụng. Từ đó tình trạng làm trái ngành, thất nghiệp của SV ra trường mới có thể được giải quyết.
Về phần mình, SV cũng cần xác định đúng ngành nghề, mục tiêu học tập và rèn luyện các kỹ năng, nắm bắt các cơ hội tiếp cận doanh nghiệp để phát triển bản thân phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, cơ hội nghề nghiệp.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC