ClockChủ Nhật, 06/12/2020 15:43

Tăng nhận thức, giảm rủi ro khi sinh viên khởi nghiệp

TTH - Cùng với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp (KN) theo các đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học (ĐH) tại Huế đang đẩy mạnh nhiều hoạt động KN với mục tiêu kép, vừa tăng nhận thức vừa giảm rủi ro khi nhiều sinh viên vẫn lầm tưởng KN dễ dàng.

Phát động cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020“Khởi nghiệp Du lịch - Đổi mới sáng tạo”Khởi động dự án “Huế chờ bạn”

Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên

Tạo mô hình nhiều cấp để định hướng

Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp “HAT Business Innovation Hackthon 2020” nhưng Trường Du lịch – ĐH Huế thu hút đến 40 nhóm sinh viên (SV) đăng ký tham gia. Đáng nói, thời điểm tổ chức chung kết vào ban đêm, song vẫn có đến gần 300 SV theo dõi. Mỹ Linh, SV Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết: “Bài học từ cuộc thi và nhận xét từ chuyên gia giúp chúng em hình dung được những vấn đề liên quan đến KN và lường được những rủi ro nếu dấn thân”.

Mô hình cuộc thi từ Trường Du lịch được xem là một trong ba mô hình lần đầu được các trường thuộc ĐH Huế tổ chức (cùng với Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Luật). TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế cho biết, 3 cuộc thi trên được tổ chức vào tháng 11/2020 và được chuyển tải từ phiên bản cuộc thi của Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế. Hiện, có 3 cuộc thi theo 3 cấp độ khác nhau là “Business Innovation Hackthon”, 10 ngày bứt phá và cuộc thi ý tưởng KN đổi mới sáng tạo.

“3 cấp độ được phân định rạch ròi. Cuộc thi “Business Innovation Hackthon” mang tính chất phổ thông, giúp SV hình thành các đội nhóm. Họ đến với cuộc thi khi chưa có ý tưởng về KN và quá trình làm việc nhóm mới hình thành ý tưởng. Đây là bước tập dượt làm quen với các hoạt động KN để nâng cao nhận thức. Với cuộc thi 10 ngày bứt phá, mục đích sẽ giúp SV từ chỗ có ý tưởng phát triển thành sản phẩm và kiểm chứng sản phẩm. Cấp độ cuộc thi thứ ba là ý tưởng KN đổi mới sáng tạo kỳ vọng sau khi có ý tưởng sẽ giúp các nhóm thương mại hóa. Hai cuộc thi đầu tiên được chuyển phiên bản về các trường tổ chức, vừa nâng cao ý thức SV về KN vừa như một bước sàng lọc các ý tưởng, để khi đến cuộc thi thứ ba tổ chức cấp ĐH Huế có thể ươm tạo, đồng thời tìm kiếm được các tài năng tham gia cuộc thi về KN các cấp, từ tỉnh đến cả nước”, TS. Hoàng Kim Toản nhấn mạnh.

Điểm hay khi tạo thành nhiều cấp về các cuộc thi, hoạt động KN là vừa để SV tiếp cận và có kiến thức sâu hơn, nhưng cũng gắn với chuyên môn sâu theo ngành học từng trường. Trong bối cảnh đó, cuộc thi các trường thường niên trở thành vệ tinh, không chỉ tăng số lượng mà còn chất lượng cho các cuộc thi KN từ cấp ĐH Huế trở lên.

Chung kết cuộc thi khởi nghiệp của Trường Du lịch - ĐH Huế

Giảm rủi ro, tránh ảo tưởng

Đích đến của các hoạt động KN trong trường học là để SV nhận thức rõ về vấn đề KN. Với những kiến thức và kỹ năng học được, sau khi ra trường, SV có thể lựa chọn tìm kiếm được công việc tốt, chuyển từ trạng thái xin việc (cơ chế xin – cho) sang tìm việc (có quyền lựa chọn theo mức lương và phù hợp năng lực), đồng thời có thể tự tạo việc làm cho chính bản thân và xã hội.

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân, phụ trách hoạt động KN và đổi mới sáng tạo tại Trường ĐH Nông lâm cho biết, hiện nay việc lan tỏa mạnh các hoạt động KN quan trọng nhất vẫn là tác động nhận thức của SV. Một bộ phận nhỏ SV vẫn cho rằng KN là dễ dàng và thậm chí có thể bỏ học để KN. Trái lại, qua trải nghiệm từ chính các hoạt động KN và phản biện, cố vấn từ các chuyên gia, nhiều SV mới thấy KN không đơn giản. Theo TS. Hoàng Kim Toản, các đề án, chủ trương và thực tiễn tổ chức các hoạt động thúc đẩy KN trong trường ĐH không phải mong muốn SV ra làm doanh nghiệp ngay mà cung cấp cho các em kiến thức, kỹ năng để SV tự tin hơn sau khi ra trường, đồng thời giúp họ thận trọng, giảm thiểu các rủi ro, nguy cơ thất bại.

“Chính vì trải nghiệm như một người KN thực sự, cùng phát triển các dự án, kêu gọi đầu tư, làm việc với chuyên gia, SV sẽ trải nghiệm đầy đủ các cung bậc trong KN để có kiến thức và kỹ năng tốt hơn nếu KN sau ra trường hoặc đừng mạo hiểm nếu chưa đủ khả năng. Đây là điều các trường đẩy mạnh và SV cần tham gia các hoạt động KN”, đại diện Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế lưu ý.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, để giải quyết hiệu quả hơn vấn đề KN trong trường học, cùng với nhiều hoạt động bổ trợ, các cuộc thi đều đào tạo kiến thức KN, kết nối với cố vấn KN đồng thời lồng ghép đào tạo nhiều kỹ năng: thuyết trình, làm việc nhóm… Trong năm 2021, sẽ nhân rộng các cuộc thi KN ở các trường trong ĐH Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

Return to top