Thầy Nguyễn Phước đang chuẩn bị cho các đề tài dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh
Ở vị trí nào cũng cố gắng
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngành Toán Lý (năm 1978), thầy Nguyễn Phước là một trong những trí thức trẻ trở lại quê hương để “đem cái chữ” cho HS nông thôn.
Năm 1982, thầy được điều động về Trường THCS Kim Long (Huế), trở thành một trong số ít GV trẻ tiên phong tiếp cận môn tin học, được Phòng GD&ĐT TP. Huế chọn đi đào tạo đợt đầu tiên.
Khi Trường THCS Lê Hồng Phong được thành lập (2004), thầy trở thành hiệu trưởng của ngôi trường mới. Trong 10 năm thầy Phước làm hiệu trưởng, Trường THCS Lê Hồng Phong đạt nhiều thành tích xuất sắc, ngôi trường trẻ ngoại ô trở thành điểm sáng giáo dục của tỉnh; được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2011). Tháng 8/2014, thầy chia tay Trường Lê Hồng Phong về làm Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho đến khi nghỉ hưu.
Đam mê khoa học
Chỉnh chu trong từng giờ lên lớp, trong công tác quản lý, những đức tính ấy càng nổi bật trong nghiên cứu khoa học (NCKH), giúp thầy gặt hái được những thành công đáng tự hào.
Thầy Nguyễn Phước chia sẻ: “Năm 2004, khi mới lên làm Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, tôi đã bắt đầu nhen nhóm ý định nghiên cứu về bài giảng điện tử, đến năm 2008, tôi và nhóm của mình đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học với mục đích xây dựng giáo án điện tử...”.
Từ năm 2015, tác giả Nguyễn Phước và Nguyễn Anh Long (Trường THCS Hàm Nghi - Huế) là nhóm tác giả có nhiều đề tài dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (lần thứ VII, VIII, IX) và đạt được nhiều giải thưởng. Các đề tài của thầy xoay quanh bài giảng điện tử và thiết bị dạy học số nhằm hỗ trợ cho GV và HS học tập dễ dàng hơn.
“Đa phương tiện và CNTT vừa là nội dung dạy học vừa là phương tiện trong dạy học hiện đại (giáo án điện tử - dạy trực tuyến), nó có nhiều khả năng ứng dụng nên dễ đi vào khoa học giáo dục của thời đại mới. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến học trực tuyến trở thành nhu cầu cấp thiết thì giáo án điện tử càng cần thiết. Tuy nhiên, những bài giảng điện tử cho đến nay lại chưa thật sự chất lượng. Đó là động lực để chúng tôi quyết tâm nghiên cứu sâu hơn, mong tìm ra một phương pháp hữu hiệu hơn có thể áp dụng ngay vào thời điểm giãn cách. Vì thế, đề tài lần này của chúng tôi đã được ngành giáo dục của tỉnh quan tâm” thầy Phước chia sẻ.
TS. Lê Văn Tường Lân (Trường đại học Khoa học Huế) cho biết: “Mục đích của đề tài “Hệ thống hỗ trợ dạy tập viết tiếng Việt lớp 1”, không chỉ hỗ trợ GV hướng dẫn HS lớp 1 tập viết mà còn cố gắng để có thể thay thế người thầy theo một cách nào đó; giúp học sinh chủ động tự học, hoặc phụ huynh sử dụng để có thể hướng dẫn con em mình viết chữ… Chúng tôi đặt rất nhiều tâm huyết để có thể hoàn thiện đến từng chi tiết và đem lại khả năng ứng dụng cao”.
Vai trò của thầy Phước trong đề tài được thầy Lân gói gọn bằng cụm từ “không thể thay thế” nhờ vào những ý tưởng sáng tạo rút ra trong kiến thức tích lũy hơn 40 năm... Đề tài có giá trị cao hỗ trợ cho việc dạy học, đặc biệt là giai đoạn giãn cách. Được biết, thầy và nhóm của mình dự định tặng thành quả của các đề tài cho GV Thừa Thiên Huế sử dụng miễn phí.
GS. TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhận xét: “Thầy Phước là một người có tâm và có tầm, là rất ít trong những nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn say sưa với học trò, luôn có những ý tưởng rất mới, rất có giá trị đổi mới theo tư duy giáo dục hiện đại”.
Bài, ảnh: Phạm Phước Châu