ClockThứ Tư, 18/03/2020 11:26

Thầy và trò Trường THPT A Lưới sáng chế “Máy rửa tay sát khuẩn tự động”

TTH.VN - Với giá thành từ 500-600 ngàn đồng, những chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động tiện lợi đầu tiên giúp phòng ngừa COVID-19 vừa được thầy và trò Trường THPT A Lưới sáng chế thành công.

Nhóm nghiên cứu tiến hành sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động tại Trường THPT A Lưới. Ảnh: NGỌC TOÀN   

Gấp rút hoàn thành trong 2 tuần

Giới thiệu với chúng tôi về 2 chiếc máy rửa tay sát khuẩn được Chi đoàn giáo viên cùng với CLB Em yêu khoa học Trường THPT A Lưới vừa hoàn thành cách đây hai tuần, đã đưa vào sử dụng thí điểm, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Nghĩa- Phó Bí thư Đoàn trường, phụ trách hoạt động nghiên cứu khoa học của trường không giấu được niềm vui.

Anh cho biết, theo khuyến cáo của ngành y tế, việc ngăn ngừa COVID-19 lây lan phụ thuộc một phần từ khâu đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn tay để tránh gián tiếp đưa tác nhân gây bệnh vào bên trong cơ thể.

Ở môi trường học đường, với hàng ngàn học sinh trong mỗi trường học, làm thế nào để việc sát khuẩn tay thường xuyên cho học sinh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất là vấn đề đặt ra.

Trăn trở về vấn đề này, các đoàn viên trong chi đoàn giáo viên đã cùng CLB Em yêu khoa học của trường hình thành ý tưởng và chế tạo thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động. “Trong điều kiện kinh phí nhỏ ban đầu, cả thầy lẫn trò đã nỗ lực thực hiện ý tưởng và hoàn thành được 2 sản phẩm trong 2 tuần”, thầy Nghĩa chia sẻ. Vừa hoàn thành, máy được sử dụng thử nghiệm ngay tại trường vào đầu tháng 3.

Về tiện ích của máy, thầy Nguyễn Ngọc Nghĩa cho biết, thiết bị sử dụng rất tiện lợi, chỉ cần đưa tay vào ngăn rửa đã được thiết kế sẵn, cảm biến sẽ phát hiện và mạch điều khiển máy bơm tự động phun dung dịch sát khuẩn đã được bố trí dưới dạng các tia nhỏ. Đến khi đèn LED báo tắt thì người sử dụng có thể lấy tay ra và xoa đều theo hướng dẫn rửa tay. Điều đặc biệt tiện lợi ở đây là máy nhỏ gọn, dễ di chuyển và thời gian cho mỗi lần sát khuẩn là nhanh chóng, chỉ mất khoảng 5 giây, với một thể tích dung dịch sát khuẩn đã được cài đặt sẵn.

  “Việc sử dụng máy trước tiên tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được dung dịch sát khuẩn trong điều kiện kinh phí eo hẹp ở các trường học. Máy cũng giúp hạn chế tay tiếp xúc trực tiếp với vòi xịt, bình xịt khi sử dụng bình chứa dung dịch sát khuẩn thông thường. Điều này góp phần hạn chế lây lan do tiếp xúc nếu có virut dịch”, cô Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới đánh giá.

Cũng theo cô Hoa, từ thành công của sáng chế, hiện một vài hộ gia đình và một số trường học đã liên hệ, tìm hiểu, có ý định đặt hàng. Sắp tới, khi học sinh đi học trở lại, từ 2 máy ban đầu, Trường THPT A Lưới sẽ cho sản xuất thêm để nhân rộng trong trường học, đảm bảo việc sát khuẩn tay thường xuyên cho học sinh.

Máy được sử dụng thử nghiệm sau hoàn thành từ đầu tháng 3/2020, mở ra triển vọng nhân rộng việc sử dụng trong cộng đồng, góp phần phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Ảnh: NGỌC TOÀN 

Nhân rộng sáng chế

Mới đây, trong đợt kiểm tra tình hình phòng dịch COVID-19 trong trường học ở huyện A Lưới, thử nghiệm máy rửa tay sát khuẩn tự động do học sinh Trường THPT A Lưới chế tạo, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo biểu dương, đánh giá cao tinh thần, ý thức vì cộng đồng của nhà trường và các em học sinh. Ông Mỹ mong muốn, Ban giám hiệu trường tiếp tục hỗ trợ để phong trào nghiên cứu và sáng tạo khoa học kỹ thuật của trường ngày càng lan toả, thành công.

Hai ngày trước khi bài viết này đến với bạn đọc, thầy Nghĩa thông tin, nhóm nghiên cứu vừa gấp rút hoàn thành thêm 5 máy rửa tay sát khuẩn tự động phục vụ cho một số đơn vị và cá nhân trong tỉnh đặt hàng.

Theo thầy Nghĩa, giá thành rẻ, linh kiện điện tử như cảm biến, máy bơm, Adruino, đèn LED,… có thể tái sử dụng từ các máy móc cũ hoặc dễ mua trên thị trường là điều thuận lợi để nhân rộng sáng chế. Điều trở ngại hiện nay là nguồn dung dịch sát khuẩn cần phải có một lượng lớn để sử dụng lâu dài.

Thời gian thử nghiệm vừa qua, nguồn dung dịch sát khuẩn của nhà trường được trao tặng từ Trường THPT chuyên Quốc Học, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế và Viện nghiên cứu khoa học miền Trung.

Để đảm bảo số lượng dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh tại trường, việc tự pha chế dung dịch theo công thức đề nghị của WHO với thành phần cồn, Glyxerol và một số loại tinh dầu đang được Trường THPT A Lưới gấp rút thực hiện.

Được biết, dù là ngôi trường nhỏ thuộc vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần tự học và sáng tạo của học sinh Trường THPT A Lưới rất cao. Nhà trường luôn đồng hành động viên, hỗ trợ giáo viên, học sinh trong phong trào nghiên cứu khoa học. Từ đó, nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học của trường được ghi nhận, đánh giá với các giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia...

Bài, ảnh: Kim Oanh-Ngọc Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô giáo khởi nghiệp với zèng

Kể từ khi nghề dệt zèng của người Tà Ôi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì đồng bào Tà Ôi ở A Lưới đang dần thoát nghèo từ nghề này, đồng thời có những phương án bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tích cực. Một trong những gương sáng điển hình trong lĩnh vực này là cô giáo Hồ Thị Thu Hà, dân tộc Tà Ôi, hiện vừa là giáo viên Trường THPT A Lưới, vừa là chủ cơ sở zèng mang tên Hợp tác xã (HTX) sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới, tại xã A Ngo, huyện A Lưới.

Cô giáo khởi nghiệp với zèng
Hữu dụng từ thùng rác

Tôi khá ấn tượng về những mô hình bảo vệ môi trường từ rác thải của học sinh Trường THPT A Lưới. Chỉ cần bỏ chút thời gian, vừa hạn chế lượng rác vứt bỏ, vừa gây quỹ để ủng hộ học sinh nghèo.

Hữu dụng từ thùng rác

TIN MỚI

Thi công máy lạnh biệt thự hiện đạiBáo giá sua cua tu dong uy tín
Return to top