ClockThứ Ba, 21/06/2016 14:02
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM THỪA THIÊN HUẾ

40 năm Đoàn kết - Phát triển - Đổi mới - Hội nhập

TTH - Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Thừa Thiên Huế thành lập năm 1976. Qua 4 thập kỷ xây dựng và phát triển, Trường là một trong những trung tâm đào tạo đa ngành, đa cấp, có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài chất lượng cao hiện nay, khẳng định thương hiệu trong khối các trường cao đẳng trên toàn quốc.

Nhìn lại chặng đường qua, các thế hệ giáo viên, sinh viên nhà trường càng tự hào về mái trường thân yêu, nơi bao thế hệ thầy cô giáo, học sinh sinh viên (HSSV) luôn sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, vì sự phát triển và hội nhập của quê hương.

Từ khi thành lập đến năm 1989

Giai đoạn này trường đào tạo giáo viên (GV) cấp 2 (toán-lý, văn-sử, sinh-hoá, văn-kỹ thuật, địa-sinh…) cho khu vực Bình Trị Thiên. Bồi dưỡng và đào tạo lại GV tốt nghiệp trước năm 1975 ở miền Nam. Đây là thời kỳ khó khăn về cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ cũng như kinh nghiệm, tuy nhiên, sự nhiệt tình và say mê nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giảng viên lúc bấy giờ, Trường sớm đi vào nề nếp và hoạt động hiệu quả.

Hiệu trưởng Hồ Văn Thành

Trước yêu cầu mới, năm 1978, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế  ra đời trên cơ sở sáp nhập Trường CĐSP Huế và Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình. Lúc này trường có các khoa Văn-Sử, Toán-Lý-Kỹ thuật công nghiệp, Sinh-Hoá, Địa-Kỹ thuật nông nghiệp, Khoa Tại chức và các tổ trực thuộc Tâm lý giáo dục, Chính trị, Thể mỹ, Quân sự. Các phòng chức năng Giáo vụ, Tổ chức - Công tác chính trị, Hành chính quản trị - Đời sống. Với 17 mã ngành đào tạo CĐSP, Trường đã đào tạo, chuẩn hoá 5.021 GV đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục tỉnh nhà.

Khẳng định học hiệu trong giai đoạn 1990 đến 2000

Năm 1989, Thừa Thiên Huế được tái thành lập, là mốc của sự lớn mạnh của trường, năm 1990 các trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), trung học sư phạm và sư phạm mẫu giáo được sáp nhập vào trường, hình thành một trung tâm sư phạm đào tạo GV từ mầm non, tiểu học, THCS; bồi dưỡng CBQLGD, bồi dưỡng thường xuyên và chuẩn hóa đội ngũ GV. Đây là giai đoạn có nhiều chuyển biến tích cực, tiền đề quan trọng của chiến lược phát triển bền vững trong xu thế đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế về sau của trường. Trong 10 năm này cán bộ quản lý giáo dục Trường CĐSP Thừa Thiên Huế đào tạo 2.902 GV cao đẳng, cấp bằng tốt nghiệp cho 2.576 HSSV hệ TCCN bao gồm cả sư phạm và ngoài sư phạm.

Hợp tác đào tạo và tuyển dụng với Công ty Scavi - Huế

Từ năm 2001 đến nay   

Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, với tư duy đổi mới và hội nhập, tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế đã thực hiện chiến lược mở rộng quy mô, ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo và ngày càng khẳng định thương hiệu là một trường CĐ có uy tín trong khu vực và cả nước.

Nhận thức đội ngũ cán bộ, giảng viên là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo, Trường đã tập trung tuyển dụng đội ngũ giảng viên có trình độ, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và nghiệp vụ quản lý, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ giảng viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ sau đại học. Nếu cuối năm 2000, Trường chỉ có 19 cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học thì 8 năm sau có 3 tiến sĩ (2,63%), 54 thạc sĩ (47,37, số giảng viên trình độ sau đại học trở lên chiếm hơn 90% là đội ngũ tương đối vững của hệ thống trường CĐ toàn quốc hiện nay. Đây là điều kiện cơ bản để nhà trường tiếp tục phát triển bền vững theo hướng đa ngành, đa cấp, đa hệ và đa phương thức đào tạo theo nhu cầu xã hội và khách hàng.

CSVC, trang thiết bị dạy học là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng. Những năm 90 của thế kỷ XX, trường thiếu phòng học thì đến nay hệ thống CSVC của trường khang trang, bao gồm nhiều khối công trình như giảng đường, phòng thực hành, thư viện, nhà thi đấu thể thao, khu hiệu bộ, khu nội trú, căn tin, sân chơi, bãi tập cùng các trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại và đồng bộ. Các phòng học được trang bị thiết bị nghe nhìn, tivi, phòng học đa phương tiện, phòng lab; Hiện thư viện điện tử của trường được Hiệp hội Thư viện các trường đại học đánh giá rất cao về chất lượng phục vụ, về tra cứu… góp phần đáp ứng nhu cầu đổi mới quá trình dạy học và các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao của nhà trường.

Với định hướng phát triển thành một cơ sở đào tạo đa ngành đa hệ, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý cho cấp mầm non, tiểu học, THCS, trường còn mở nhiều mã ngành, chương trình đào tạo ngoài sư phạm (bậc CĐ và TCCN); chương trình đào tạo tiếng Việt cho lưu HS Lào. Hiện trường có 19 mã ngành sư phạm, 24 mã ngành ngoài sư phạm, trong đó có 33 mã ngành CĐ và 10 mã ngành TCCN. Số SV tốt nghiệp CĐ giai đoạn này có 9.142 người, 7.141 ngoài sư phạm, số SV TCCN được đào tạo là 12.432 người.

Trong gần 15 năm qua  với vai trò đào tạo tiếng Việt và quản lý lưu học sinh Lào tại Huế, trường góp phần gắn bó tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào ngày càng thắm thiết. Đã có 974 lưu học sinh đã và đang học tập tại Huế do trường quản lý, trong đó nhiều người đã trưởng thành, có đóng góp cho quan hệ hai nước.

Đáp ứng yêu cầu về nguồn cán bộ quản lý cho ngành giáo dục tỉnh nhà, trường đã bồi dưỡng cho 1.429 người. Phối hợp với nhiều trường đại học uy tín trên toàn quốc chuẩn hóa trình độ đại học cho  4.313 SV. Từ năm học 2008-2009, trường áp dụng phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với bậc cao đẳng chính quy.

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ mới, trường đã tổ chức lại cơ cấu bộ máy với phương châm: tinh giản - tích hợp - hiệu quả. Do đó, nguồn nhân lực được sử dụng hiệu quả. Giai đoạn này trường có 6 khoa, 3 phòng chức năng, 2 trung tâm và 1 trường mầm non thực hành.

Năm 2007, trường chuyển trực thuộc UBND tỉnh và thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm như các đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2008, trường áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001: 2008 và đã được Tổ chức NQA (Vương quốc Anh) cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng, đồng thời ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin Edusoft và các phần mềm khác để đổi mới công tác quản lý nhà trường.

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập cũng là dịp để thế hệ cán bộ giảng viên và HSSV hôm nay bày tỏ quyết tâm cao, giữ vững và phát huy nội lực. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn-hiện đại, đảm bảo chất lượng đào tạo, cung ứng và tạo cơ hội để người học phát triển toàn diện trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của CBGV, nhân viên và HSSV, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế sẽ luôn là lá cờ đầu trong hệ thống các trường CĐ trên toàn quốc, là thương hiệu uy tín trong đào tạo toàn quốc và khu vực.

TS. Hồ Văn Thành (Hiệu trưởng)

Những thành tích đạt được:

Huân chương Lao Động hạng III (2001), hạng II (2006), hạng I (2011); Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị (2011). Bằng khen của Thủ  tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh. Nhiều năm đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Đảng bộ đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh liên tục hơn 20 năm; Công đoàn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ cho Đơn vị xuất sắc nhất khối Cao đẳng toàn quốc năm học 2000-2001, 2009-2010 và nhiều bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐGD Việt Nam; Đoàn TN, Hội SV luôn đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc và được tặng Cờ đơn vị xuất sắc công tác Đoàn và phong trào Thanh niên.

Tổ chức Tết cổ truyền cho du học sinh

Mục tiêu trước mắt:

Tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, xây dựng khối đoàn kết thống nhất cao, đổi mới hệ thống quản lý chất lượng sang chuẩn ISO 9001:2015. Tăng cường hợp tác quốc tế; phát triển mô hình trường thực hành sư phạm từ mầm non lên THCS. Kiện toàn bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ; đảm bảo hiệu quả đào tạo.

Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn kiến thức, tăng kỹ năng thích ứng với việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Đào tạo, bồi dưỡng GV, CB quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non; phát triển năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu ra, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Tăng cường CSVC, thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đồng bộ và hiệu quả tại địa chỉ 123 Nguyễn Huệ, 82 Hùng Vương, 2 Lê Hồng Phong, 21 Trần Quang Khải và cơ sở 2 đường Lâm Hoằng, TP. Huế.

PV

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Return to top