Không còn đơn vị nào độc quyền soạn SGK khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020. Ảnh: Như Ý
Ngoài bộ SGK công nghệ giáo dục Toán, Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại còn có bản thảo SGK môn hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất cũng bị hội đồng thẩm định loại từ vòng 1.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 33, trong đó toàn bộ chương II của thông tư từ điều 4 đến điều 8 là tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Đây được coi là 4 tiêu chuẩn khung khi thẩm định. Trong 4 tiêu chuẩn này có 13 tiêu chí, từ 13 tiêu chí, Bộ GD&ĐT tổ chức các hội thảo có các chuyên gia đầu ngành về nội dung, phương pháp, chuyên gia nước ngoài xây dựng thành 40 chỉ báo cần đạt. Từ 40 chỉ báo cần đạt, hội đồng chuyên môn thảo luận tiếp xem áp dụng như thế nào vào từng bộ SGK lớp 1 khi đưa vào thẩm định SGK.
Trong tất cả các bản thảo SGK được thẩm định ở vòng 1 (gồm 5 bộ với 9 môn học, ngoài ra còn có một số môn học có nhiều hơn 5 bản thảo), không có bản thảo nào đạt 100% ở vòng 1. Khi đạt và sửa chữa, tác giả có 1 tháng để sửa lại theo góp ý của hội đồng thẩm định rồi đề nghị thẩm định vòng 2, tác giả cũng có quyền không sửa.
“Thời điểm này, tất cả các tác giả được kết luận là đạt nhưng phải sửa chữa đều nộp lại bản thảo để hội đồng thẩm định vòng 2. Dù đang trong quá trình thẩm định nhưng tôi cho rằng sẽ có những bản thảo không đạt ở vòng này”, ông Tài nói.
Ông Tài thông tin thêm, bộ SGK công nghệ giáo dục tiếng Việt, Toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại không phải là những bản thảo duy nhất bị hội đồng thẩm định đánh giá không đạt. Hội đồng thẩm định còn đánh trượt một trong số bản thảo của môn hoạt động trải nghiệm và môn giáo dục thể chất. Với những bản không đạt, các tác giả có thời gian để sửa lại không hạn chế, nên có thể sửa nhanh hoặc chậm theo góp ý của hội đồng thẩm định. Khi nào sửa xong nộp lại, hội đồng sẽ thẩm định như thẩm định lần đầu.
Với chủ trương một chương trình, nhiều SGK nên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hằng năm, các NXB, nhóm tác giả đều có thể gia nhập thị trường SGK nếu đủ điều kiện. Bộ GD&ĐT không “đóng đinh” chỉ có bao nhiêu SGK được phép đi vào trường học.
NXB Giáo dục Việt Nam vẫn giữ vai trò chính
Sau khi có chủ trương “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học”, đến nay đã có thêm 5 NXB khác ngoài NXB Giáo dục Việt Nam đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên được Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, bổ sung chức năng xuất bản SGK trong giấy phép thành lập, gồm NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Vinh và NXB Đại học Huế.
Ông Tài cho biết, trong số đó có 3 NXB nộp bản thảo tham gia thẩm định SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM. Sau khi các NXB nộp bản thảo SGK các môn học, hội đồng thẩm định gộp lại rồi chia thành 5 bộ SGK hoàn chỉnh (vì có NXB môn tiếng Việt nộp đến 4-5 bản thảo nhưng các môn khác lại không có). Trong số đó, NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều bản thảo nhất vì có kinh nghiệm, tiềm năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài bộ SGK công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại còn có bộ SGK được kế thừa, phát triển từ bộ SGK chương trình trường học mới (VNEN) của Công ty Đầu tư phát triển thiết bị trường học Hà Nội (một đơn vị của NXB Giáo dục Hà Nội). Ngoài ra còn một số cuốn lẻ của các nhóm tác giả, như môn Toán lớp 1 có 6 bản thảo. Trong đó, bản thảo của GS. Hồ Ngọc Đại đã bị loại ở vòng thẩm định 1 nên chỉ còn 5 bản thảo đang được tiếp tục thẩm định tại vòng 2.
Đánh giá của Bộ GD&ĐT và hội đồng thẩm định có mâu thuẫn?
Đánh giá mới nhất của Bộ GD&ĐT trong năm 2019 về dạy học theo tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nêu rõ, nhìn chung việc triển khai tài liệu này tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: nhiều địa phương đã nhân rộng và có nhiều vận dụng linh hoạt trong quá trình triển khai, giáo viên nắm chắc nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng mới, học sinh đọc thông viết thạo, nắm chắc ngữ âm, kỹ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt.
Đáng lưu ý, về kết quả học tập của học sinh, đánh giá của Bộ ở từng nội dung đều cho thấy những ưu điểm mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng đến. Trong khi đó, GS Mai Ngọc Chừ, thành viên Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1, cho rằng: “Dạy sách công nghệ giáo dục thì các GV phải làm việc như một cái máy đúng theo “công nghệ”, cực kỳ căng thẳng, rập khuôn và không thấy sự sáng tạo...
Theo Tiền phong