ClockThứ Sáu, 20/05/2022 15:18

“Biết rồi nói mãi”, chuyện tuyển dụng & thuyên chuyển giáo viên - Kỳ II: Vừa lòng kẻ tới, thỏa lòng người đi

TTH - Thuyên chuyển giáo viên đảm bảo quy định nhưng linh hoạt, luôn chú ý đến hoàn cảnh và nguyện vọng của từng người.

“Biết rồi nói mãi”, chuyện tuyển dụng & thuyên chuyển giáo viên - Kỳ 1: Khung cửa hẹp & những bất ngờ

Tiết học ở Trường THCS Hùng Vương

Công khai bằng văn bản

Mới đây lên A Lưới, chúng tôi quen ông Nguyễn Hết, một giáo viên mới nghỉ hưu đang cùng vợ thăm lại “mái trường xưa”. Năm 1980, tốt nghiệp sư phạm, ông Hết tình nguyện lên dạy học ở A Lưới khi vùng đất này mới trong những ngày đầu xây dựng sau chiến tranh. Sau hơn 6 năm, ông Hết trở về xuôi và lần lượt dạy học từ Thủy Phù, Thủy Châu (Hương Thủy), cuối cùng dừng bước tại Trường THCS Chu Văn An. Hành trình dạy học của ông Hết là một quá trình thuyên chuyển từ vùng núi khó khăn về đồng bằng, từ quê lên phố theo nguyện vọng.

Từ kinh nghiệm quản lý giáo dục, ông Võ Văn Thịnh cho rằng, một giáo viên bình thường dạy học ở một địa phương chừng 6 năm là có thể “an cư, lạc nghiệp”, không còn nghĩ ngợi nhiều đến chuyện thuyên chuyển. Tuy nhiên, đây vẫn luôn là vấn đề nóng đặt ra của ngành giáo dục Phú Vang, một vùng đất khó, nhiều người “chê”. Theo ông Thịnh, trong bố trí, sắp xếp giáo viên mới tuyển dụng, giáo viên người địa phương được ưu tiên chọn trường trong xã hay gần nhà, từ Huế về hay Hương Thủy sang sẽ được bố trí ở các xã lân cận, đi lại hằng ngày dễ dàng. Còn những giáo viên ở xa tới, không thể đi về trong ngày, có thể chuyển về những vùng xa, nơi có bố trí nhà công vụ.

Cho tôi xem Quyết định số 551/QĐ - UBND của UBND thị xã Hương Trà về việc thuyên chuyển viên chức tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, bà Nguyễn Thị Huy, Trưởng phòng GD&ĐT TX. Hương Trà cho biết, các trường hợp thuyên chuyển đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, phù hợp với vị trí việc làm, có trình độ đạt chuẩn, có thời gian công tác liên tục và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… Yếu tố địa bàn được chú ý, các vùng sâu, vùng xa nằm trong diện ưu tiên. Mỗi năm công tác nơi đây được quy đổi thành 1,2 điểm so với 1 điểm ở các vùng còn lại. Ngành giáo dục và đào tạo Hương Trà đặt lên hàng đầu việc đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng và văn minh để “an tâm người đến” và “vừa lòng kẻ đi”.

Khuyến khích hoán đổi

Những quy định của UBND thị xã Hương Trà là rất cần thiết. Thế nhưng, trong thuyên chuyển có nơi đi và cũng phải nơi đến. Để thực hiện thành công thuyên chuyển một giáo viên, phải nhận được sự đồng ý từ cả hai phía và trong thực tế, không phải bao giờ mọi chuyện cũng suôn sẻ.

Đã có sự vận dụng linh hoạt và một trong số đó là giải pháp hoán đổi vị trí. Thầy giáo Đặng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Trung (Phú Vang) cho biết, trường vừa có sự hoán đổi vị trí giữa thầy giáo Phan Thanh Tâm (dạy vật lý) với cô giáo Lê Thị Quỳnh Lưu (dạy vật lý ở Trường THPT Thuận An, TP. Huế). Thầy giáo Tâm có nhà ở phường Phú Mậu (TP. Huế) không xa Thuận An, còn cô giáo Quỳnh Lưu ở Phú Đa, chuyển về Hà Trung gần nhà hơn.

Hai giáo viên của hai đơn vị, cùng bộ môn có thể hoán đổi cũng là một hướng mở. Bằng phương châm này, mỗi năm, Trường THPT Hà Trung thuyên chuyển từ 3 - 4 giáo viên khi được xét hội đủ điều kiện. Xác nhận đây là điểm mới, ông Nguyễn Tân khẳng định sở cho phép giáo viên tự hoán đổi vị trí, chỉ cần có đơn đầy đủ thì Giám đốc sở sẽ giải quyết ngay (!). Còn trong thực tế, nhiều giáo viên tự tìm nhau hoán đổi để được ở gần nhà. Trong 3 năm, toàn tỉnh có 20 cặp giáo viên hoán đổi nơi dạy học cho nhau.

Cũng theo ông Tân, trong bố trí giáo viên, Sở GD&ĐT chú ý địa phương hóa, theo hướng chuyển giáo viên về dạy gần nhà. A Lưới có đa số giáo viên tại chỗ, riêng xã Hương Lâm và Hồng Vân có nhiều giáo viên ở các xã vùng ven lên dạy học. Có người có chồng con, một tuần mới về nhà một lần nên đã có luân chuyển giáo viên hai trường này về các trường gần hơn. Năm trước, có trường hợp giáo viên trúng tuyển nhưng Trường THPT Thừa Lưu không có chỉ tiêu, vậy nên phải chờ. Hai năm sau, trường này có người về hưu, Sở GD&ĐT đã bố trí ngay cho giáo viên này.

Thuyên chuyển không cần đơn

Cô giáo dạy sử Nguyễn Thị Thu Hiền có 10 năm dạy học tại Trường THPT Tam Giang. Nhà ở đường Ngự Bình (TP. Huế), cách trường học tới 40 cây số, việc đi lại trong ngày của cô càng khó khăn khi đường sá khó khăn, con cái còn quá nhỏ. Dạy học được 5 năm, cô Hiền có đơn xin chuyển trường. Hiểu rõ và rất thông cảm, nhưng Sở GD&ĐT không thể giải quyết. Không đạt được nguyện vọng ngay, cô Hiền kiên trì vượt khó, có nhiều nỗ lực chuyên môn và đạt thành tích cao trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Mới đây, cô Hiền toại nguyện khi được thuyên chuyển về Trường THPT Cao Thắng (TP. Huế). Những năm qua, Trường THPT Tam Giang xa xôi có hơn 20 giáo viên được thuyên chuyển về các trường thành phố và cô Hiền là người cuối cùng.

Kể lại câu chuyện của cô giáo Hiền, ông Nguyễn Tân xúc động và khẳng định, một tiêu chí luân chuyên là giảm khoảng cách đi lại cho giáo viên, hợp thức hóa gia đình để hạn chế những tai nạn. Nhiều giáo viên bị tai nạn gần đây, sở thấy cũng có phần trách nhiệm vì để họ đi dạy xa nhà quá lâu. Ông Tân cũng nhắc đến trường hợp cô giáo Trương Thị Nhung, dạy văn ở Trường THPT Hương Lâm (A Lưới) được chuyển về Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (Phú Vang). Cô này không nộp hồ sơ, nhưng sau khi thấy Trường THPT Nguyễn Sinh Cung khuyết một giáo viên dạy văn do chuyển trường, Phòng Tổ chức cán bộ của sở chủ động làm thủ tục cho chuyển. Và, không riêng gì cô Nhung, nhiều giáo viên không nộp hồ sơ nhưng giám đốc sở thấy dạy lâu năm xa nhà nên yêu cầu tổ chức của sở bố trí gần nhà. Đã có 30 người được chuyển theo hình thức này trong vòng 3 năm qua.

Giáo viên thực sự khó khăn và có nguyện vọng, sở tìm cách giúp họ thuyên chuyển. Giáo viên  ở các trường vùng xa Nam Đông, A Lưới... công tác trong 5 năm sẽ có cơ chế bố trí về các trường gần nhà hơn. Các trường THPT ở vùng xa như Thừa Lưu, Trần Văn Kỷ, Vinh Lộc... được tạo điều kiện chuyển về các trường vùng ven. Các trường ở vùng sâu vùng xa về các huyện gần nhà thì Giám đốc sở quyết định. Nếu giáo viên muốn về các trường ở thành phố sẽ phải thông qua hội đồng, đáp ứng đủ các tiêu chí trên cơ sở đề xuất của các trường và được thông báo công khai. Thuyên chuyển giáo viên được thực hiện linh hoạt, luôn chú ý đến hoàn cảnh và nguyện vọng của từng người là điều mà người đứng đầu ngành giáo dục Thừa Thiên Huế tâm đắc.

Bài, ảnh: Huế Thu

(Còn nữa)

Kỳ iii: Hãy tin & hy vọng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

Từ ngày 27-29/11 tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên tiếng Pháp cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

TIN MỚI

Tin đăng tây ninh tuyển dụng tại Vieclam24h Viết cv xin việc chất lượng
Return to top