Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, trong số các bộ SGK đã được lựa chọn, cả 46 đầu SGK (thuộc 5 bộ SGK của nhà xuất bản Giáo dục) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được lựa chọn. Không có quyển sách nào bị bỏ qua.
Nếu phân tích, ít nhất một tỉnh lựa chọn 3 đầu sách cho mỗi môn trở lên, không có tỉnh/thành phố nào chỉ chọn 1 đến 2 bộ mà ít nhất 3 bộ trở lên.
Trước đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố về việc đảm bảo cung ứng SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021.
Các Sở tổng hợp kết quả lựa chọn SGK lớp 1 từ cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, cung cấp đầy đủ thông tin đến các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn trước ngày 20/5 để phối hợp triển khai việc bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách.
Bộ SGK lớp 1 mới mang tên "Cánh Diều".
Theo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục phổ thông phải công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng.
Thống kê từ ba đơn vị làm bộ SGK Cánh Diều (NXB Đại học Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC) đã nhận được thông báo đặt sách của hơn 20 Sở GD&ĐT.
Đơn vị này chuẩn bị cung ứng tới 3.000.000 bản sách cho 20 tỉnh.
Nhiều địa phương có tỉ lệ chọn bộ SGK Cánh Diều rất cao: 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 quyển SGK Cánh Diều. Ở tỉnh Sơn La, 100% các trường chọn SGK 5 môn: Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.
Ở tỉnh Phú Thọ, 100% các trường chọn SGK 4 môn: Tiếng Việt, Toán, TNXH và GD thể chất. Ở tỉnh Thái Nguyên, 100% các trường chọn SGK 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội.
Ở tỉnh Nam Định, 100% các trường chọn SGK 2 môn: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội.
Được biết, hầu hết tổng chủ biên, chủ biên và nhiều tác giả bộ sách Cánh diều là tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, chủ biên chương trình môn học hoặc thành viên Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, các đơn vị biên soạn, xuất bản bộ SGK Cánh Diều đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tập huấn, tổ chức đội ngũ báo cáo viên, biên soạn tài liệu tập huấn và xây dựng các video bài dạy mẫu.
Các lớp tập huấn được tổ chức theo từng môn học để đảm bảo chuyên sâu và hiệu quả.
Các đơn vị xuất bản bộ sách cũng đã chuẩn bị phương án tập huấn online để thích ứng với yêu cầu của địa phương hoặc những tình huống đặc biệt.
Đối với các bộ SGK lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam, tính đến ngày 15/5/2020, có 14 tỉnh chọn SGK của đơn vị này.
Sau khi kết thúc việc chọn lựa SGK mới, các NXB sẽ tập huấn sử dụng SGK mới, tổ chức in ấn để kịp thời trước năm học mới.
Theo đại diện của NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị này tập huấn sử dụng SGK theo 3 hình thức:
Tập huấn trực tiếp: cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam và các Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả sách giáo khoa đến từng tỉnh tổ chức tập huấn trực tiếp cho giáo viên và cán bộ quản lí.
Tập huấn trực tuyến: NXB Giáo dục Việt Nam sẽ sử dụng các ứng dụng hội thảo trực tuyến để tập huấn, phát huy ưu thế về phòng tránh dịch bệnh, tăng số lượng người tham dự, tăng cường tương tác giữa người tập huấn và giáo viên.
Tự tập huấn: giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục sẽ được NXB Giáo dục Việt Nam cấp tài khoản để có thể đọc và tải về miễn phí các tài liệu.
Theo Dân trí