Chưa tăng học phí ở các bậc học (ảnh minh họa)
Mức thu phù hợp
Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 81) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Khảo sát ở Thừa Thiên Huế cho thấy, mức thu học phí hiện nay được xem là phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, đối với các phường thuộc TP. Huế, học sinh mầm non học bán trú có mức đóng học phí là 166.000 đồng/học sinh/tháng, không bán trú 110.000 đồng/tháng; học sinh THCS 86.000 đồng/tháng; học sinh THCS có học nghề 105.000 đồng/tháng; học sinh THPT 90.000 đồng/tháng. Đối với các phường thuộc thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà, học sinh mầm non học bán trú có mức đóng học phí 106.000 đồng/học sinh/tháng, không bán trú 79.000 đồng/tháng; học sinh THCS 66.000 đồng/tháng; học sinh THCS có học nghề là 80.000 đồng/tháng; học sinh THPT là 72.000 đồng/tháng.
Không tăng mà giữ nguyên
NĐ 81 có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, quy định học phí tăng khá cao từ năm học 2022 – 2023. Đáng nói như ở thành thị từ 60.000 đến 300.000 đồng/tháng thì nay tăng từ 300.000 đến 650.000 đồng/ tháng; ở nông thôn từ 30.000 đến 120.000 đồng/tháng lên 100.000 đến 330.000 ngàn đồng/tháng; ở vùng miền núi từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng lên từ 50.000 đến 220.000 đồng/tháng.
Thực hiện NĐ 81 và theo quy định thấp nhất của ngành giáo dục, mức thu học phí năm học 2022 - 2023 trên địa bàn Thừa Thiên Huế dự kiến tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022. Trên thực tế, nhiều địa phương trong cả nước đã có dự thảo mức thu học phí từ năm 2022 - 2023 tăng cao gấp 5 lần hiện tại. Tuy nhiên, năm học 2021 - 2022, nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thừa Thiên Huế giữ nguyên mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh, bằng với mức thu học phí năm học 2020 - 2021.
Chiều 30/11, Thường trực HĐND tỉnh khóa VIII tổ chức buổi họp báo thông báo về kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII. Chủ trì buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, nghị quyết về quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023 là một trong số 37 nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ xem xét, thảo luận để thông qua tại kỳ họp lần này. Theo đó, tiếp tục thực hiện mức thu học phí năm học 2022 - 2023 đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị quyết 15/2021/NQ - HĐND. Hiểu đơn giản là giữ nguyên và không tăng.
Tạo cơ hội để học sinh đến trường
Được biết trước đó, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí, tuy nhiên, tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi vẫn cho rằng, trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân cũng đỡ cơ cực hơn.
Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VIII nêu rõ, đến nay tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng công ăn việc làm, thu nhập của đa số người lao động vẫn chưa được ổn định. Bên cạnh đó là tình trạng lạm phát, giá cả biến động nên đời sống của người lao động vẫn còn gặp khó khăn, cần có thời gian nhất định để ổn định và tăng trưởng.
Trước thềm kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ V (khóa VIII), chúng tôi có dịp gặp gỡ và phỏng vấn một số phụ huynh trong tỉnh, nhìn chung đều đồng tình và phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Như Ý, phụ huynh có con học Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) cho biết: Dịch bệnh triền miên khiến công việc của tôi bấp bênh, mức lương thấp. Thế nên, tôi đồng tình với chủ trương của UBND tỉnh khi quy định các mức đóng cụ thể trong trường học theo hướng giữ nguyên.
Tại các trường học, không khí cũng rất phấn chấn khi áp dụng các khoản thu dựa trên cơ sở thực hiện nghị quyết sắp được thông qua này. Cô giáo Hồ Thị Phi Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Vĩnh chia sẻ: “Cứ chiếu theo quy định của UBND tỉnh nên rất dễ thu. Chẳng hạn, tiền ăn theo quy định tối đa là 30.000 đồng/em/ngày thì nhà trường xây dựng 25.000 đồng/em/ngày; tiền trang bị hàng năm mức tối đa là 150.000 đồng/em/năm nhưng nhà trường chỉ thu 80.000 đồng/em/năm; Hội phụ huynh ở các lớp thu khoảng 70.000 đồng/em (năm trước 100.000 đồng/em). Thế nên, những em không ở lại bán trú thì chỉ nộp tiền đầu năm khoảng 90.000 đồng; còn ở lại bán trú và đóng các khoản đầu năm thì các em đóng khoảng trên 600.000 đồng/em.
Bài, ảnh: Đình Nam