Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong giờ thực hành
Tự luận hai môn toán và tiếng Việt
Còn hơn 2 tháng nữa, nhiều học sinh khối 5 sẽ thử sức mình vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương qua đợt kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Năm nay, Trường THCS Nguyễn Tri Phương tuyển sinh 360 em (9 lớp), trong đó, có 1 lớp 6 dành cho học sinh học ngoại ngữ là tiếng Pháp. Phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh ở ba môn toán, tiếng Việt và Anh văn. Trong trường hợp số học sinh đăng ký dự tuyển sinh không vượt quá chỉ tiêu thì thực hiện xét tuyển.
Đây là năm thứ 2, trường tổ chức theo phương thức này nên phụ huynh đã có sự chuẩn bị ngay đầu năm học. Những em có sức học tốt, phụ huynh mong muốn con được học trong môi trường chất lượng như Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng quá kỳ vọng vào kết quả kiểm tra của con, không ít người muốn con thử sức, nếu trúng tuyển càng tốt, còn không cũng biết sức học của con để bồi dưỡng thêm.
Dẫu nguyện vọng nào thì phụ huynh cũng đã chuẩn bị cho con tư thế “vượt vũ môn” một cách tự tin nhất. Thí sinh có 50% cơ hội vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương khi có học bạ với học lực tốt; 50% còn lại phải trải qua đợt kiểm tra, gồm ba môn tiếng Việt, toán và ngoại ngữ. Năm lớp 5 cũng là năm học thể hiện sự quyết tâm của nhiều em để đạt được số điểm tuyệt đối (30 điểm) trong học bạ. Tỷ lệ 1 chọi 3 trong kỳ kiểm tra năm trước không phải là đánh đố những em có học lực và tâm lý tốt. Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương là cách thức làm bài. Trong 60 phút, thay vì vừa làm bài trắc nghiệm và tự luận thì năm nay toán và tiếng Việt sẽ chuyển sang hình thức tự luận; môn ngoại ngữ sẽ theo hình thức trắc nghiệm.
Cách thức ấy không làm ảnh hưởng đến công tác ôn tập của các trường trên địa bàn TP. Huế. Một số trường đã phát phiếu cho phụ huynh đăng ký cho con vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương để có phương án ôn tập. Trường TH Quang Trung (TP. Huế), khối lớp 5 có 275 em thì có đến một nửa có nguyện vọng vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Thầy giáo Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, cho hay: “Nhà trường ôn tập trong giờ cho các em vào buổi thứ hai và chiều thứ bảy. Dù có điều chỉnh hình thức kiểm tra nào thì các em cũng phải nắm chắc kiến thức, biết vận dụng cũng như phương pháp làm bài để đạt hiệu quả cao nhất”.
Em Lê Ngọc Bảo Anh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Ninh, kể: “Em học khá thoái mái khi chỉ cần nằm vững kiến thức, còn diễn đạt theo suy nghĩ của mình, giáo viên không áp đặt. Thế nên, em thấy giờ học thực sự hấp dẫn, sôi động khi biết đến những vấn đề gắn với cuộc sống hàng ngày nên nhớ lâu”.
Quan sát và phân tích vấn đề
Nhìn lại kỳ kiểm tra năm trước, học sinh sẽ nghiệm ra nhiều điều. Những em quá miệt mài luyện thi chưa hẳn có kết quả như ý. Trái lại, những em có tâm lý thoải mái, nắm vững kiến thức cơ bản, biết vận dụng khả năng tổng hợp, phân tích... để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống xem ra đã đạt yêu cầu, tiêu chí của một đợt kiểm tra mà phần lớn mang tính trải nghiệm.
Đề kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh năm học 2018-2019 không nặng tính thi thố nên đã không có tình trạng vi phạm quy chế và tỷ lệ thí sinh bỏ kiểm tra rất ít. Thế nên, nếu phụ huynh cứ cho con vào các lò luyện chưa hẳn sẽ đạt kết quả như ý. Vấn đề, học sinh cần có kiến thức tổng hợp và quan sát tốt.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế), tiết lộ: “Ngoài kiến thức cần nắm vững, nhà trường đã bổ sung các dạng bài kiểm tra tự luận để các em tập làm quen cũng như hướng dẫn các em phương pháp quan sát, phân tích trước các vấn đề”.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, sẽ đánh giá năng lực các em một cách khoa học để không tạo áp lực luyện thi khiến tái diễn tình trạng dạy thêm, học thêm. Cách thức kiểm tra sẽ phù hợp, sát với kiến thức mà các em đã học ở cấp tiểu học. Với cách làm này, Trường THCS Nguyễn Tri Phương vẫn có thể chọn được những “hạt gạo trên sàng” mà không gây áp lực cho phụ huynh và học sinh.
Bài, ảnh: Huế Thu