ClockThứ Tư, 21/12/2022 06:09

Cải thiện vị thứ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

TTH - Trong 3 năm gần đây, Thừa Thiên Huế xếp phổ điểm khoảng 30/63 tỉnh, thành trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Kết quả này chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục đại trà ở vùng đất có truyền thống hiếu học. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chia sẻ cùng Báo Thừa Thiên Huế về nỗ lực cải thiện nâng hạng phổ điểm mà ngành đặt ra.

Tuyển sinh năm 2023 sẽ có những điểm mớiKhông bất ngờ khi điểm lịch sử caoPhổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022: Cần sự bứt phá

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT

Ông Nguyễn Tân cho biết: Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tiến độ cũng như các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Song đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, có 68,72% trường học đạt chuẩn quốc gia (tăng 7,6% so với năm 2021 có 61,16%); tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia và quốc tế đạt và vượt chỉ tiêu; xếp thứ 9 toàn quốc trong giáo dục mũi nhọn, trong khi chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành đứng đầu toàn quốc.Tuy nhiên, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT còn nhiều hạn chế, chưa được khắc phục. Liên tiếp trong 3 năm từ 2020 - 2022, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT xếp lần lượt thứ 30, thứ 27 và thứ 29.

Ông có thể nói rõ hơn về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh trong những năm gần đây?

Trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn thấp, chỉ nằm ở mức khá. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đã phản ánh chính xác thực tế chất lượng dạy học trong trường phổ thông giai đoạn vừa qua. Tỷ lệ tốt nghiệp ở một số trường khu vực miền núi, vùng sâu và một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) còn rất thấp, chủ yếu tập trung ở vùng dưới (6,0 điểm). Các môn tiếng Anh và lịch sử nhiều năm không cải thiện được vị trí, ảnh hưởng chung đến kết quả toàn tỉnh.

Số đơn vị có tổng điểm trung bình các môn thi trên điểm trung bình chung quốc gia còn rất khiêm tốn. Năm 2020, có 11 đơn vị, năm 2021 có 9 đơn vị và năm 2022 có 14 đơn vị. Chất lượng giáo dục đại trà chưa thật sự bứt phá. Giáo dục khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách nhất định.

Phổ điểm của Thừa Thiên Huế có lợi thế về các môn nào, thưa ông?

Các môn tự nhiên ở Thừa Thiên Huế có phổ điểm cao hơn mặt bằng chung của toàn quốc. Rõ nhất là môn hóa học, năm 2021 ở vị thứ 8, năm 2022 vị thứ 14 toàn quốc. Trong khi đó, các môn xã hội và ngoại ngữ lại có phổ điểm thấp trong nhiều năm liền. Mặc dù điểm trung bình thấp hơn, nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn. Tiếp tục đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ lớp 12 của thí sinh vẫn có sự chênh lệch. Tuy nhiên, so với các năm trước và với toàn quốc, sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp nhiều. Ở một số môn, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đâu là nguyên nhân khiến kết quả thi tốt nghiệp thấp, thưa ông?

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, phải kể đến việc kiểm tra, giám sát công tác dạy, học, đánh giá định kỳ và công tác tổ chức kiểm tra của các đơn vị chưa thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức dạy phụ đạo của nhiều trường chưa thực sự hiệu quả. Một bộ phận học sinh thiếu nỗ lực, chưa cố gắng trong học tập và rèn luyện.

Đơn vị GDNN-GDTX còn giao khoán việc dạy kiến thức cho các đơn vị liên kết, thiếu quan tâm việc kiểm tra giám sát chất lượng học tập của học viên. Việc ra đề kiểm tra cuối kỳ chưa bám sát ma trận đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, cũng như thiếu quan tâm hiệu quả cũng như kết quả của các kỳ thi thử. Công tác học tập quy chế thi vẫn chưa thực sự được quan tâm. Các trường chưa xây dựng được ngân hàng đề đủ lớn và chất lượng để ôn tập. Công tác phối hợp của nhà trường và phụ huynh chưa đạt hiệu quả.

Để phổ điểm thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng 7 bậc như kế hoạch, ngành GĐ&ĐT tỉnh cần phải làm gì?

Mục tiêu đặt ra trong năm học 2022 - 2023, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng 7 bậc (từ vị trí 29 lên vị trí 22). Năm học 2023 - 2024: phổ điểm thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng 3 bậc (từ vị trí 22 lên vị trí 19).

Đầu năm học này, từ thực tiễn hạn chế và nguyên nhân trên, Sở GD&ĐT đã tiến hành các bước sau: trích xuất phổ điểm từng môn, từng lớp, từng giáo viên trực tiếp giảng dạy để các trường phân tích và xây dựng kế hoạch chuyên môn cho từng giáo viên và tổ bộ môn. Tiếp đó, Sở đã xây dựng và ban hành Đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong hai năm học (2022 đến 2024). Sở dĩ lấy hai năm này vì đến năm 2025 công tác thi sẽ được đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, Sở GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra, kế hoạch thực hiện của các đơn vị. Đồng thời, tổ chức các nhóm giáo viên cốt cán tham gia giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn cho đơn vị, tăng cường hỗ trợ chuyên môn, công tác kiểm tra đánh giá, hoàn thiện hệ thống các ngân hàng đề… nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc dạy học, ôn tập và thi tốt nghiệp.

Các chuyên viên và hội đồng bộ môn tăng cường công tác dự giờ đột xuất và thường xuyên giờ dạy của giáo viên, kể cả việc sinh hoạt tổ chuyên môn của các bộ môn để góp ý, định hướng và điều chỉnh. Lãnh đạo các đơn vị tích cực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ôn tập, phụ đạo. Tổ chức các lớp ôn tập phù hợp cho học sinh theo từng nhóm năng lực, nguyện vọng bài thi tự chọn (KHTN và KHXH) và 3 môn bắt buộc; nội dung giảng dạy phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân học sinh. Ưu tiên sắp xếp đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để dạy học và ôn tập cho học sinh lớp 12. Đặc biệt, gắn trách nhiệm từng vị trí công tác, người đứng đầu và cá nhân trực tiếp với sản phẩm đầu ra, kể cả trách nhiệm của lãnh đạo Sở.

Công tác “đầu vào” cũng được siết chặt từ lớp 10 như thế nào, thưa ông?

Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 trong toàn tỉnh. Ngoài thi chuyên của Trường THPT chuyên Quốc Học, dự kiến sẽ thi 3 môn dành cho hệ THPT: Toán, ngữ văn và ngoại ngữ; căn cứ vào kết quả điểm thi làm cơ sở xét trúng tuyển. Điều này sẽ khắc phục bệnh thành tích, đảm bảo đủ kiến thức đầu vào cho học sinh đầu cấp; tạo sự nỗ lực, cố gắng học tập của các em từ cấp THCS. Đồng thời, thực hiện nhất quán và hiệu quả công tác phân luồng theo Quyết định 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các trường cũng lưu ý tăng cường công tác quản lý việc vi phạm dạy thêm, học thêm ở cơ sở; bộ phận thi cũng được chỉ đạo xây dựng ma trận đề vừa phải mang tính phổ quát cho các vùng, nhằm phòng ngừa và tránh những áp lực không đáng có lên học sinh. Định hướng tốt tư tưởng, tinh thần cầu tiến và tạo động lực học tập tích cực cho học sinh...

Xin cám ơn ông!

Huế Thu (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 26 – 29/6. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện theo đúng tiến trình và sớm hơn mọi năm.

Điểm mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Tăng tốc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sắp tới, các trường THPT đều có chiến lược, lộ trình bồi dưỡng, ôn tập bài bản cho học sinh, dạy đến đâu phải chắc kiến thức đến đó.

Tăng tốc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top