ClockThứ Bảy, 08/10/2022 08:51

Tuyển sinh năm 2023 sẽ có những điểm mới

TTH - Cùng với một số điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), tuyển sinh đại học (ĐH) từ năm 2023 sẽ có những điểm mới.

Khả năng nhiều ngành không tuyển sinh đủ chỉ tiêuChuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023Điểm chuẩn đợt tuyển bổ sung của Đại học Huế cao nhất 26 điểm

Thí sinh trúng tuyển năm 2022 làm thủ tục nhập học

Không còn tình trạng điểm chuẩn trên 30 điểm

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non (gọi tắt là quy chế tuyển sinh ĐH). Điểm mới của quy chế là điều chỉnh mức điểm ưu tiên với thí sinh đạt tổng 3 môn từ 22,5 điểm trở lên, thực hiện từ năm 2023.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, chính sách ưu tiên là một trong những thông tin thí sinh rất quan tâm. Quy chế tuyển sinh chưa bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực với thí sinh tự do như dự thảo quy chế được công bố trước đây. Việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Kinh tế

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Để khắc phục bất hợp lý trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), quy chế đã quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0). Điều này đồng nghĩa, với quy chế mới, sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, theo quy chế, thí sinh được hưởng tối đa 2 loại ưu tiên: ưu tiên khu vực (KV) và ưu tiên đối tượng chính sách. Với ưu tiên khu vực, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên 4 KV như từ trước đến nay. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 là 0,75 điểm, KV2-NT (khu vực 2 nông thôn) là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm (theo thang điểm 30). KV3 không được tính điểm ưu tiên. KV tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các KV tương đương nhau thì xác định theo KV của trường học gần đây nhất mà thí sinh theo học.

Tuy nhiên, có một số trường hợp được hưởng ưu tiên KV theo địa chỉ thường trú, như học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định; hoặc học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã đặc biệt khó khăn theo các quy định của nhà nước.

Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh

PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, năm 2022, khi tổng hợp phương thức tuyển sinh các trường ĐH trong cả nước, có tới 20 mã phương thức xét tuyển ĐH. Trong đó phương thức thứ 20 là sử dụng phương thức khác, tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn. Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến thí sinh có nhiều phương án lựa chọn trong xét tuyển, nhưng mặt trái cũng phần nào khiến các em bối rối, nhầm lẫn khi lựa chọn, đăng ký. Việc có quá nhiều phương thức còn gây rắc rối cho toàn hệ thống khi xét tuyển, lọc ảo.

TS. Nguyễn Công Hào cho hay, riêng đối với ĐH Huế, những năm gần đây ĐH Huế giữ nguyên 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (điểm học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với kết quả thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành và xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế. Sau khi kết thúc đợt tuyển sinh 2022, Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế sẽ họp để đánh giá, tiếp tục hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, đồng thời sớm công bố thông tin, tư vấn đến thí sinh, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2023.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

phiên dịch tiếng nhật Đại học Duy Tân
Return to top