Sinh viên ĐH Huế tham gia thi đấu môn kéo co
Lo từ lực lượng VĐV
Giải Vovinam SV toàn quốc lần thứ II - năm 2019 vừa được tổ chức ngay trên sân nhà (tháng 11/2019), nhưng đáng tiếc đoàn vận động viên (VĐV) SV ĐH Huế chỉ mang về 1 HCV, 2 HCB và 9 HCĐ. Dù có lượng VĐV tham gia không hề ít (29 VĐV), nhưng so sánh trên bảng thành tích, đơn vị chủ nhà thua nhiều đối thủ và phải “nhường” giải toàn đoàn cho các ĐH đến từ các địa phương bạn.
Giải đấu vừa nói chỉ là một minh chứng khi nói về thành tích thể thao của SV ĐH Huế. Trên thực tế, ở các giải đấu khác, những năm gần đây thành tích các đoàn VĐV SV của ĐH Huế gặt hái khá “khiêm tốn”, thậm chí thiếu lực lượng tham gia, dù phong trào thể thao là một phần khá quan trọng trong giáo dục ĐH.
TS. Nguyễn Gắng, Khoa Trưởng khoa Giáo dục Thể chất, ĐH Huế thừa nhận, nhiều năm qua, ĐH Huế thiếu các đội tuyển mạnh tham gia các giải thể thao trong nước và quốc tế, vắng bóng trên các đấu trường lớn. Nguyên nhân là đội ngũ SV học chuyên khá ít do đặc thù tuyển sinh, trong khi đó dù đội ngũ SV không chuyên có đến hàng chục ngàn SV nhưng việc phát hiện, bồi dưỡng phát triển tài năng của họ trong hình thức đào tạo lâu nay không dễ. “SV học theo các học phần được quy định. Thời lượng mỗi môn học khá ngắn nên khó đào tạo chuyên sâu để các em phát huy năng lực và đam mê”, ông Gắng trăn trở.
Theo một cán bộ ĐH Huế, việc thiếu những mô hình cùng nhau tập luyện một môn thể thao dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo, tuyển chọn. Chỉ khi có giải, mới tập trung những người có năng khiếu tập luyện thì khó đạt hiệu quả cao bởi thiếu quá trình bồi dưỡng, trong khi VĐV cũng không thể ăn ý với nhau đối với các môn thi đấu đồng đội. Còn theo ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao (TDTT), Sở Văn hóa và Thể thao, ngoài Đại hội TDTT, thì ở nhiều giải đấu cấp tỉnh, ĐH Huế ít đăng ký lực lượng tham gia.
Thực tế, mức độ quan tâm của các trường với phong trào thể thao của SV vẫn còn giới hạn. Văn Toàn, SV ĐH Huế cho rằng, ngoài các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền được một số đơn vị thường xuyên tổ chức giải hằng năm thì nhiều môn thể thao khác vẫn rất ít giải.
Cần quan tâm phong trào
Một thời, SV ĐH Huế khá nổi bật ở các đấu trường thể thao trong nước. Điển hình, năm 2010 từng giành 1 HCĐ môn Karatedo giải Đại hội Thể thao SV Đông Nam Á tại Thái Lan hay có VĐV là SV (Khoa GDTC) tham gia Đại hội TDTT SV thế giới tại Kazastan (năm 2013), nhưng sau đó, ngoài đội bóng đá nam vô địch vòng chung kết giải bóng đá SV toàn quốc “Truyền hình Quốc phòng Việt Nam - Cup Viettel 2015” thì thành tích thể thao SV ĐH Huế vẫn khá mờ nhạt.
Hiện, các cơ sở giáo dục trong nước đang rất quan tâm đến thể thao trong trường học nên để gặt gái thành tích, ĐH Huế và các trường cần có giải pháp, nhất là cần liên kết chặt chẽ giữa ngành giáo dục và thể thao ngay tại địa phương. Theo ông Tư, ngành thể thao tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp và phía ĐH cần phải có giải pháp để gắn kết tốt hơn, đồng thời tham gia nhiều hơn các giải đấu cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cần duy trì thường xuyên hệ thống giải cấp ĐH Huế của nhiều môn để các trường có động lực tập luyện, từ đó có cơ hội để tuyển chọn VĐV.
Theo TS. Nguyễn Gắng, trong năm học 2019 – 2020, Khoa Giáo dục Thể chất bắt đầu đào tạo giảng dạy thể chất theo mô hình câu lạc bộ, áp dụng trước tiên cho các môn bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, sau đó mở rộng thêm các môn bóng đá, cầu lông, cờ vua bên cạnh môn bắt buộc là phương pháp tập luyện TDTT. SV chủ động đăng ký môn đam mê và sở trường đồng thời được đào tạo xuyên suốt một môn trong quá trình học ĐH. “Từ cách làm này, có thể dễ dàng lựa chọn lực lượng VĐV tham gia các giải đấu, đồng thời hình thành những đội tuyển thể thao trong SV có chất lượng”, ông Gắng nói.
Ngoài những giải pháp trên, rất cần sự quan tâm từ các trường ĐH trong việc đa dạng sân chơi thể thao hơn cho SV ngay tại đơn vị mình, nhất là chú trọng xây dựng mạng lưới các câu lạc bộ thể thao và tìm nguồn kinh phí phát triển phong trào thể thao trường học. Cơ sở đào tạo uy tín không chỉ giỏi về học thuật mà các phong trào đều cần có sự nổi bật và thể thao không nằm ngoài mối quan hệ đó. Được như vậy thì việc quảng bá tuyển sinh cũng sẽ thuận lợi hơn.
Bài, ảnh: Hữu Phúc