“Em rất bất ngờ vì đây là giải thưởng rất cao quý và có ý nghĩa đối với tất cả các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Đây là động lực để em tiếp tục theo đuổi ước mơ khởi nghiệp xanh, kiến tạo xanh”, Nguyễn Hữu Long chia sẻ.
Nguyễn Hữu Long nhận Bằng chứng nhận và phù điêu Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
“Ngành môi trường rất thú vị và có tính bao quát lớn về kinh tế - xã hội. Đó là lý do em đã chọn học ngành này. Khi vào học ngành môi trường, em đã thu nhận nhiều kiến thức bổ ích về tự nhiên, kinh tế, xã hội, những kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và các kỹ năng mềm cần thiết”, Long cho hay.
Bốn năm trên giảng đường đại học cũng là quãng thời gian Long tích cực tham gia và thực hiện nhiều dự án môi trường có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Tiêu biểu trong số đó là dự án “Mang SODIS đến vùng cao” năm 2015. Dự án của Long đã vượt qua hơn 470 dự án trong cả nước với gần 1.500 sinh viên dự thi và được chọn vào top 6 dự án xuất sắc nhất với mức kinh phí được cấp 50 triệu đồng nhằm hiện thực hóa vào mùa hè tình nguyện.
“Mục đích của dự án là giúp hơn 1.000 dân tại huyện A Lưới tiếp cận với phương pháp xử lý nước uống đơn giản, khoa học, tiết kiệm về mặt kinh tế và bền vững về mặt môi trường (phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời - SODIS). Dự án cũng góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức về tài nguyên nước và vệ sinh môi trường cho thanh niên, học sinh và người dân tại nông thôn, miền núi thông qua đồng hành cùng chiến dịch tình nguyện hè 2015. Sau đó, dự án đã được nhân rộng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và trong cả nước trên cơ sở hoạt động của liên minh “Thủ lĩnh trẻ vì tài nguyên nước Việt Nam”, Long cho biết.
Trước dự án “Mang SODIS đến vùng cao”, Long đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài và dự án, như: “Chuyển đổi rơm thành nhiên liệu đun nấu nhằm đạt đồng lợi ích về chất lượng không khí và khí hậu ở một số nước Tiểu vùng sông Mekong” của Viện Công nghệ châu Á (AIT), Trường đại học Khoa học Huế, Đại học Công nghệ King Mongkut - Thái Lan và Đại học Hoàng Gia Phnom Penh hợp tác tổ chức; “Du ca môi trường - Hành trình thanh niên Huế” do Nhóm cộng tác viên Môi trường Việt Nam điều phối tổ chức; “Thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên Huế với biến đổi khí hậu” (Cuộc thi Siêu Thủ lĩnh năm 2014); “Hợp tác giáo dục biến đổi khí hậu” tại các trường THCS tỉnh Thừa Thiên Huế do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) và SIDA phối hợp tổ chức.
Nguyễn Hữu Long dự định tiếp tục khởi nghiệp với công ty riêng của mình nhằm định hướng thúc đẩy tinh thần kiến tạo xanh cho giới trẻ muốn khởi nghiệp. Một mục tiêu xa hơn mà Long hướng đến là trở thành nhà quản lý về môi trường tại một công ty hàng đầu Việt Nam và trở thành nhà khoa học để có thể góp phần vào việc giữ gìn một môi trường Việt Nam trong lành và tươi đẹp.
Là một trong những gương mặt nổi bật nhất của Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học Huế, Nguyễn Hữu Long từng nhận được Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ Nhất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giải thưởng Sáng tạo ý tưởng Mùa hè nước của Trung ương Hội sinh viên, Cục quản lý Tài nguyên nước và Công ty Unilever; Giải thưởng Sao tháng Giêng Đại học Huế; danh hiệu Thủ lĩnh môi trường do Tổng cục Môi trường và Hiệp hội Giáo dục Bắc Mỹ công nhận; danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" Đại học Huế; danh hiệu sinh viên học tập tốt - rèn luyện tốt Đại học Huế. |
Ngọc Hà