ClockThứ Sáu, 13/08/2021 14:36

Chất lượng cao & con đường định sẵn - Kỳ 2: Hướng đi nào cho Trường THCS Nguyễn Tri Phương?

TTH - Cùng với làm tốt việc tuyển chọn học sinh, đã đến lúc cần có chính sách tuyển dụng và những đãi ngộ hợp lý dành cho đội ngũ giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Chất lượng cao & con đường định sẵn - kỳ I: Ngôi trường “thầy giỏi, trò giỏi”374 học sinh trúng tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tri PhươngThủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Nỗi lo của một thời

Một thời, thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương là một trong 3 cuộc “vượt vũ môn” của nhiều học sinh và đây là lần đầu tiên với lắm điều còn bỡ ngỡ. Nhớ lại chuyện xưa nhiều người giật mình, khi con mới học lớp 3 và lớp 4 đã đưa con vào “lò” luyện để luyện thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Nhà nhà, người người cho con đi học thêm, cứ nghe thầy nào “mát tay” thì y như rằng phụ huynh đến xin cho con học. Có lúc, một lớp học thêm gần cả trăm em, thầy dạy bằng micro, trò mồ hôi nhễ nhại oằn người ra học.

Khi mà áp lực thi cử trở nên quá nặng nề thì đầu vào của Trường THCS Nguyễn Tri Phương được “xả van” bằng cách chuyển sang xét tuyển. Thế nhưng, hình thức này nhanh chóng bộc lộ những bất cập. Một lần gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Anh N, giáo viên trường huyện có con đầu học Trường THCS Nguyễn Tri Phương tâm sự, đang đứng trước việc lựa chọn cho con thứ 2 sắp học xong bậc tiểu học. Chị Anh N. phân tích: “Trước đây thi tuyển, đứa đầu phải đi học thêm khá vất vả, nhưng đậu thì học với những bạn “ngang tài, ngang sức” nên cả nhà yên tâm. Còn với xét tuyển, đứa sau tuy đủ điều kiện, nhưng là “chuẩn” trường “làng”. Nếu cháu được đưa vào “hạt gạo trên sàng” của trường tỉnh, không may rơi vào tự ti sẽ nảy sinh bao điều đáng ngại”.

Mặc dù mới đưa vào sử dụng với cơ sở vật chất hiện đại, nhưng số hồ sơ đăng ký qua 2 năm thực hiện xét tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương giảm hơn 50%. Còn chất lượng học sinh, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Bi, nguyên Hiệu trưởng, nhận xét: “Những năm trước, học sinh đầu khoá hòa nhập ngay sau 1 - 2 tháng học, nhưng nay, đến cả học kỳ nhiều em vẫn tỏ ra ngại ngùng với các hoạt động kỹ năng; trong giờ học, nhiều em thụ động, ngại giơ tay phát biểu, chất lượng học sinh phân hoá khá rõ”.

Chọn được “hạt gạo trên sàng”

Loay hoay từ thi tuyển qua xét tuyển không hiệu quả, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, việc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực được xem là sự lựa chọn phù hợp cho “đầu vào” lớp 6. Thí sinh có 50% cơ hội vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương khi có học bạ với học lực tốt; 50% còn lại phải trải qua đợt kiểm tra, gồm môn văn, toán và ngoại ngữ. Anh Trần Vinh và chị Nguyễn Thị Tú, có con đang học lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) cho hay: Chủ trương vừa kiểm tra, vừa đánh giá năng lực, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi cho con thử sức vì muốn đánh giá chính xác học lực của cháu. Thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương cũng là cách để khỏi phải tìm trường cho con nếu con trúng tuyển.

Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, cho hay: Đề kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh không nặng tính thi thố nên học sinh tham gia kiểm tra đánh giá năng lực khá thoải mái. Vì vậy, tuyển sinh vào trường từ năm học 2018 - 2019 diễn ra nhẹ nhàng, không có tình trạng vi phạm quy chế và tỷ lệ thí sinh bỏ kiểm tra rất ít. Thời gian làm bài chỉ gói gọn trong vòng 60 phút; trong đó, có 20 phút làm trắc nghiệm. Vấn đề là, học sinh cần có kiến thức tổng hợp và quan sát tốt”.

Theo Sở GD & ĐT, đề kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ được ra một cách khoa học để không tạo áp lực luyện thi khiến tái diễn tình trạng dạy thêm, học thêm. Cách thức kiểm tra sẽ phù hợp, sát với kiến thức mà các em đã học ở cấp tiểu học. Với cách làm này, Trường THCS Nguyễn Tri Phương vẫn có thể chọn được những “hạt gạo trên sàng” mà không gây áp lực cho phụ huynh và học sinh.

Hướng đi nào?

Sau khi được đầu tư xây dựng, trường mới có cơ sở vật chất chuẩn và đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hiện trường chỉ trưng dụng 3/42 phòng ký túc xá. Lý do là học sinh nhà trường gần đây chỉ cụm lại ở khối thành phố nên nhu cầu nhà ở tập thể không cao. Thế nên, cũng đã có ý kiến cho rằng, với những gì đang có, nếu nhà trường được chuyển đổi nhiệm vụ từ cấp THCS sang trung học, gồm THCS và THPT, thì sức hút sẽ tăng lên. Cũng theo ý kiến này, có thể chuyển thành mô hình xã hội hoá, phụ huynh có điều kiện sẽ đưa con đến học với học phí cao hơn nhưng chất lượng chuẩn hơn.

Tháng 3/2021,Trường THCS Nguyễn Tri Phương tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày thành lập. Nhìn lại lịch sử, trường được cụ Phạm Doãn Điềm xây dựng từ năm 1940, lúc đầu là trường tư thục mang tên Việt Anh. Năm 1955, trường chính thức mang tên Nguyễn Tri Phương. Đáng chú ý từ năm 1975 đến nay, nhà trường được giao trọng trách tạo nguồn và bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THCS. Từ năm 1982, dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi các lớp chuyên toán, lý, văn của thành phố Huế (cấp tỉnh là Trường THCS Nguyễn Chí Diểu). Từ năm 1993, dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi các lớp chuyên toán, lý, văn, tiếng Anh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1998 đến nay, trường được chỉ đạo xây dựng thành trường trọng điểm chất lượng cao của bậc THCS, được phép tuyển sinh những học sinh giỏi bậc tiểu học trong toàn tỉnh để tạo nguồn học sinh giỏi chủ yếu cho Trường THPT chuyên Quốc Học.

Trong bối cảnh Nhà nước không có chủ trương xây dựng trường chuyên ở bậc THCS, đây là một hướng đi đúng dành cho Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Vấn đề đặt ra phương thức tuyển sinh cần khách quan, đảm bảo thu hút được những học sinh giỏi, có tố chất đặc biệt không chỉ ở trong mà còn còn cả ngoài tỉnh nữa. Bên cạnh đó là cách tuyển dụng thực sự “cầu tài” và các chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ giáo viên để họ yên tâm công tác và cống hiến. Nó không dễ bởi liên quan đến cả một bộ máy và chưa có tiền lệ nhưng không khó nếu có sự đồng thuận, quyết tâm và khát vọng gìn giữ và phát huy truyền thống của một vùng đất học.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1: Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể

Mô hình “Trường - Viện” đã minh chứng mang lại hiệu quả thiết thực trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao như hiện nay. Mô hình này của Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1 Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể
Hướng đi phù hợp của Hương Thủy

Là cửa ngõ phía nam của TP. Huế, TX. Hương Thủy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và thương mại. Sự đầu tư và chuyển biến thời gian qua cho thấy, thị xã đã có hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế này.

Hướng đi phù hợp của Hương Thủy
Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên

Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và chỉ đạo hội nghị.

Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên
Return to top