ClockThứ Ba, 10/01/2023 14:53
KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG DU LỊCH - ĐẠI HỌC HUẾ (2008 - 2023)

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

TTH - Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Du lịch - Đại học (ĐH) Huế đã đạt được những thành tựu vượt bậc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Trường Du lịch nhiều thành tựu trong 15 năm xây dựng và phát triển

Lễ tốt nghiệp và trao bằng thạc sĩ năm 2022 của Trường Du lịch - ĐH Huế

Trong lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Trường Du lịch - ĐH Huế chào đón 650 tân sinh viên khóa 56 tựu trường. Nhiều kết quả nổi bật về đào tạo và cơ hội việc làm của sinh viên cũng được chia sẻ dịp này, trong đó tỷ lệ sinh viên xếp loại giỏi - xuất sắc ở các khóa đạt trên 38%. Tháng 8 vừa qua, Trường Du lịch tổ chức chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho 582 sinh viên khóa 52. Theo kết quả khảo sát nhanh tại buổi lễ, có đến 70% sinh viên có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp. “Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng em đã được tiếp cận nhiều với môi trường thực hành, thực tập gắn với doanh nghiệp, vì thế rất thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm tốt sau khi ra trường”, Nguyễn Thị Thùy Dung, cựu sinh viên Trường Du lịch chia sẻ.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế, chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển của nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quy mô người học của trường tăng nhanh từ 120 sinh viên ở năm học đầu tiên 2008 - 2009 lên hơn 3.300 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong năm học 2022 - 2023. Với tinh thần tiên phong để hội nhập, Trường Du lịch - ĐH Huế đã không ngừng phát triển các chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Hiện tại, nhà trường đang triển khai 8 ngành đào tạo ĐH với 12 chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về du lịch, bao gồm: Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (với 5 chuyên ngành: Quản lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Tổ chức và quản lý sự kiện, Truyền thông và Marketing du lịch dịch vụ, Quản trị quan hệ công chúng), Kinh tế (chuyên ngành Kinh tế du lịch), Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch), Du lịch điện tử; Quản trị du lịch & khách sạn (chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh).

Từ năm 2016 đến nay, Trường Du lịch đã và đang đào tạo hơn 300 học viên cao học thuộc 2 chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và ngành Du lịch; cùng 24 nghiên cứu sinh và 6 dự bị nghiên cứu sinh trong chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Du lịch; mở ra cơ hội lớn cho người học được học tập và nghiên cứu chuyên sâu về du lịch ở trình độ cao. Tính đến hết năm học 2021 - 2022, Trường Du lịch có hơn 6.000 cử nhân và thạc sĩ du lịch đã tốt nghiệp và đang đóng góp sức mình phục vụ cho công cuộc phát triển của ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam và trên thế giới.

Song song với việc phát triển các chương trình đào tạo, đội ngũ của nhà trường lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng. Hiện, tổng số giảng viên, viên chức và người lao động của nhà trường là 110 người, trong đó có 3 phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 79 thạc sĩ, 12 nghiên cứu sinh và 29 giảng viên đang theo học thạc sĩ ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Về mặt tổ chức, Trường Du lịch - ĐH Huế có 4 khoa và 3 trung tâm trực thuộc, gồm: Khoa Du lịch học, Khoa Quản lý lữ hành, Khoa Quản trị khách sạn - Nhà hàng, Khoa Quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông, Trung tâm Thực hành và liên kết doanh nghiệp, Trung tâm Phát triển du lịch bền vững, Trung tâm Công nghệ truyền thông; cùng các đơn vị trực thuộc khác.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, từ khi thành lập đến nay, Trường Du lịch - ĐH Huế luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua việc huy động tài trợ từ nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ từ cấp Nhà nước, cấp tỉnh, thành phố, cấp ĐH Huế cho đến cấp trường, hàng năm xuất bản khoảng 40 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Kiên định với tôn chỉ “Chất lượng tạo ra sự khác biệt”, Trường Du lịch - ĐH Huế luôn tập trung nỗ lực trong cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, chú trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên, xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoạt động thực tập nghề, thực tập quản lý của sinh viên Trường Du lịch được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đang có những bước phát triển vượt bậc sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đặc biệt, ngành du lịch dịch vụ đang phát triển trở lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19 thì nhiều cơ hội đang mở ra cho Trường Du lịch - ĐH Huế. Đơn vị đào tạo tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục gặt hái thành tựu trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025 trở thành trường ĐH thành viên của ĐH Huế và là trường ĐH trọng điểm của cả nước về du lịch.

Trường Du lịch - ĐH Huế, tiền thân là Khoa Du lịch - ĐH Huế, được thành lập ngày 14/1/2008 theo Quyết định số 020/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc ĐH Huế. Với tầm nhìn: “Xây dựng Trường Du lịch - ĐH Huế thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín tiên phong trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, Trường Du lịch - ĐH Huế luôn chú trọng đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả nội lực hiện có, kết hợp với khai thác các nguồn lực vững mạnh của ĐH Huế.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nghề tẩm quất, xoa bóp chuyên nghiệp

Năm 2024, Thừa Thiên Huế được chọn là nơi diễn ra Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp lần thứ IV do Hội Người mù (HNM) Việt Nam tổ chức. Đây là cơ hội để những người trong nghề cọ xát, học hỏi và cũng là sự khẳng định vị thế của HNM tỉnh trong hoạt động giáo dục nghề tẩm quất, xoa bóp gắn với tạo việc làm cho kỹ thuật viên người khiếm thị.

Phát triển nghề tẩm quất, xoa bóp chuyên nghiệp
Liên kết để phát triển bền vững

Phát triển kinh tế theo hướng mô hình tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) là cách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên.

Liên kết để phát triển bền vững
Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số
Return to top