Chủ động hợp tác
Chưa hết học kỳ đầu tiên của năm học 2017 – 2018, ĐH Huế và các trường thành viên, khoa trực thuộc đã có hàng chục hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp. Bên cạnh đối tác truyền thống, các đơn vị còn chủ động mở rộng mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp mới. PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, thời gian qua, ĐH Huế đạt được nhiều ký kết hợp tác quan trọng với các doanh nghiệp. Tháng 10/2017, ĐH Huế ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phát triển các chương trình đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp với Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư cộng hưởng (CoPLUS); hiện nay, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và tìm đầu ra việc làm cho sinh viên trở thành chiến lược các trường.
Sinh viên Khoa Du lịch trao đổi với doanh nghiệp tại chương trình Cùng Vinpearl phát triển sự nghiệp
Trường ĐH Nông lâm và Trường ĐH Khoa học là hai đơn vị làm rất tốt hoạt động hợp tác doanh nghiệp. PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học thông tin, việc hợp tác với doanh nghiệp được nhà trường triển khai từ lâu, nhưng đẩy mạnh từ năm 2016. Nhà trường xác định, phải chủ động “bắt tay” với doanh nghiệp, không đợi đến ngày hội việc làm định kỳ hàng năm mà phải kết nối liên tục. “Tháng 10/2017, PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trường nhà trường cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Hai bên đã trao đổi thông tin tình hình đào tạo, nhu cầu, cơ hội việc làm và chính sách tuyển dụng, mở ra cơ hội trong vấn đề thực tập của sinh viên và đầu ra việc làm”, ông Tùng nói.
Năm học 2017 – 2018, ĐH Huế có 1 đơn vị ký kết hợp hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng là Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm, trong đó 151 sinh viên được đào tạo theo chương trình mới, có sự phối hợp với Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam trong đào tạo và đảm bảo đầu ra việc làm. PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y tiết lộ, để có được kết quả này, khoa và nhà trường đã tìm và trao đổi rất nhiều doanh nghiệp; tổ chức nhiều cuộc họp tìm những phương án tốt nhất mới đi đến thống nhất.
Đội ngũ giảng viên cũng trở thành một “đầu mối” quan trọng trong hợp tác với doanh nghiệp. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng bộ môn Lữ hành – Hướng dẫn du lịch, Khoa Du lịch cho biết, thông qua những mối quan hệ riêng, một số giảng viên vận động, thúc đẩy và tìm cơ hội để đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo, trong đó có việc tạo môi trường cho sinh viên thực hành thực tế, mời doanh nghiệp hướng dẫn kỹ năng cho sinh viên, tư vấn về định hướng việc làm và nhu cầu tuyển dụng…
Nỗ lực tăng cường hợp tác doanh nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả. Ngày hội việc làm ở các trường, số lượng doanh nghiệp tham gia rất lớn, nhờ đó, nhiều sinh viên được tiếp cận cơ hội việc làm ngay khi chưa nhận bằng tốt nghiệp. Tại các diễn đàn khởi nghiệp, ngày hội việc làm, doanh nghiệp đánh giá cao sự chủ động hợp tác của ĐH Huế và các trường thành viên. Bà Tạ Anh Phương, Giám đốc hỗ trợ vùng 3, Công ty cổ phần Vinpearl cho rằng, doanh nghiệp cần nhân lực chất lượng cao, nhưng chưa rõ về thông tin đơn vị đào tạo vì vậy, việc những đơn vị kết nối sớm và tốt giúp các doanh nghiệp có cơ sở để tìm hiểu và tiến đến hợp tác.
Giúp sinh viên nắm bắt cơ hội
Việc kết nối doanh nghiệp đang có bước tiến, nhưng vẫn còn nỗi lo là sinh viên chưa chủ động nắm bắt cơ hội khi tiếp xúc với doanh nghiệp. Tại các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, ngày hội việc làm, dù nhà tuyển dụng sẵn sàng giải đáp thắc mắc, nhưng khá ít ý kiến mạnh dạn “đối thoại”. Sau các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, nhiều sinh viên chia sẻ lý do vì ngại, không tự tin nói trước đám đông, chưa chuẩn bị sẵn câu hỏi.
PGS. TS. Nguyễn Quang Linh thừa nhận, sinh viên còn thụ động khi tiếp xúc với doanh nghiệp là trăn trở lớn ĐH Huế và các trường. Hiện, nhiều giải pháp đang được triển khai, trong đó các trường đã đưa kỹ năng trở thành những môn học trong chương trình đào tạo. ĐH Huế và các trường thành viên cũng đang đẩy mạnh 3 nhóm giải pháp là: Tăng cường tổ chức các ngày hội việc làm để giúp sinh viên có cơ hội giao lưu với doanh nghiệp nhiều hơn; Ban công tác học sinh, sinh viên và các đơn vị liên quan truyền thông, giới thiệu rộng rãi các hoạt động với doanh nghiệp để sinh viên sớm có thông tin; Tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp cho sinh viên. Đây là những nhóm giải pháp thiết thực giúp sinh viên làm quen với hoạt động tiếp xúc, giao tiếp với nhà tuyển dụng.
Tại các trường, việc xây dựng và phát triển mạnh mô hình các câu lạc bộ, đội nhóm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích sinh viên tham gia.
Các trường cũng phối hợp mời chuyên gia, các doanh nghiệp, tổ chức các buổi nói chuyện để chia sẻ những kinh nghiệm xin việc cho sinh viên, lưu ý người học những điểm phải khắc phục, nhất là tính thụ động khi tiếp xúc với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, những giải pháp nói trên là cần thiết, tạo môi trường để sinh viên thay đổi thói quen, tâm lý thụ động sang chủ động khi tiếp xúc với cơ hội việc làm. Song, trong thời buổi thị trường lao động cạnh tranh, ngoài vai trò của nhà trường thì chính sinh viên phải cần chủ động “bắt tay” doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Hữu Phúc