PGS.TS. Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế
Theo PGS.TS. Nguyễn Thám, tâm lý “học để thi, thi gì học nấy” và “bệnh thành tích” trong giáo dục sẽ là trở lực trong việc thực hiện định hướng hình thành phẩm chất và năng lực người học của chương trình GDPT mới.
PGS đánh giá như thế nào về chương trình GDPT mới?
Chương trình GDPT mới (hay còn gọi là chương trình GDPT 2018) là bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng GDPT. Trước tiên là thay đổi cách tiếp cận từ nội dung sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học; được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình GDPT mới có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành, từ cách tiếp cận, yêu cầu cần đạt đến cấu trúc và nội dung, tính mở của chương trình; phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục…
Vừa qua, 7 trường ĐH sư phạm trọng điểm của cả nước đã triển khai thành công công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán và các tổ trưởng chuyên môn về chương trình GDPT mới và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên cốt cán của các sở giáo dục và đào tạo khi triển khai bồi dưỡng đại trà cho đội ngũ giáo viên. Tin rằng, trong thời gian tới, chương trình sẽ được áp dụng thành công.
Chương trình GDPT mới áp dụng cho bậc phổ thông sẽ có tác động như thế nào đến bậc ĐH, thưa PGS?
Ban hành và thực hiện Chương trình GDPT có mối quan hệ tác động đến bậc ĐH mà trực tiếp là các trường đào tạo giáo viên.
Đầu tiên, như tôi vừa chia sẻ, thì các trường sư phạm trọng điểm đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn với nhiều module (như các chủ đề, nội dung) cho đội ngũ giáo viên về việc triển khai chương trình GDPT 2018. Thông qua hoạt động này góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên trong công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên – nhân tố quyết định chất lượng nền giáo dục.
Thứ hai, các trường sư phạm cũng phải thay đổi cách tiếp cận trong tái cấu trúc mô hình, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của giáo viên tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới, như xây dựng các ngành đào tạo sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử và địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật… Trên thực tế, thời gian qua, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng đã có nhiều điều chỉnh, mở mã ngành phù hợp.
Nhưng hiện nay, phần lớn giáo viên và sinh viên được đào tạo đơn ngành thì việc dạy các môn dưới dạng tích hợp sẽ thực hiện như thế nào?
Chương trình các môn học khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ngoài một số chủ đề mang tính tích hợp liên môn, vẫn được xây dựng gồm nội dung về vật lý, hóa học, sinh học, trái đất và bầu trời (môn khoa học tự nhiên), nội dung lịch sử và nội dung địa lý (môn lịch sử và địa lý); nên các giáo viên đã được đào tạo đơn môn vẫn dạy những nội dung đã được đào tạo và trong tương lai một giáo viên có thể dạy môn khoa học tự nhiên hoặc lịch sử và địa lý thông qua việc bồi dưỡng, đào tạo lại và đào tạo mới các ngành này trong các trường ĐH sư phạm.
Ngay tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, một số ngành mới phù hợp với trình GDPT 2018 đã được mở ra, hướng đến cách đào tạo nguồn giáo viên cho thời gian tới. Các khoa cũng đã tổ chức phổ biến chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những chương trình đào tạo ngắn hạn nên có thể tin rằng giáo viên có thể dạy tốt trong tương lai.
Theo PGS có những thách thức nào khi triển khai chương trình GDPT mới và giải pháp để giải quyết là gì?
Chương trình GDPT 2018 bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học, nhưng đội ngũ giáo viên thông qua hoạt động dạy học và giáo dục mới hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của người học; vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và GDPT nói riêng phải đổi mới đồng bộ, đặc biệt là phát triển đội ngũ giáo viên.
Khi triển khai chương trình GDPT mới sẽ gặp một số thách thức. Trước hết, như trên đã phân tích, quan niệm “học để thi” và “bệnh thành tích” trong giáo dục sẽ là trở lực trong việc dạy học và giáo dục theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, trong đó có phẩm chất trung thực. Theo tôi, phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, chứ không chỉ dừng lại ở “phong trào” nhất là từ các nhà quản lý giáo dục để có “pháp đồ” hiệu quả trong “điều trị” “ bệnh thành tích trong giáo dục”.
Đổi mới cách nghĩ, cách làm của đội ngũ giáo viên trong thực hiện chương trình GDPT cũng là một thách thức lớn, khi mà học sinh giỏi không tha thiết với ngành sư phạm mà nguyên nhân chính là khó tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, phải có giải pháp đồng bộ từ tuyển sinh, đào tạo, sử dụng và các chính sách nhằm tạo động lực phát triển đội ngũ giáo viên trong đó có chế độ lương như tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là “Tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”,“Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Hữu Phúc (thực hiện)