Cô Lê Thị Vĩnh Quân được chọn dự lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm, Khoa Tiểu học (TH) năm 2000, Vĩnh Quân nộp đơn xin về dạy lớp khuyết tật tại Trường TH Thuận Thành (TP. Huế). Cô Quân nhớ như in những ngày đầu tiếp xúc với các em. Nhiều em chỉ biết chạy quanh nhà, gào thét mỗi khi giận dỗi, hoảng sợ… Mỗi khi cô giáo đến gần, có em cào, cắn, ném đồ chơi, đập đầu vào tường tự gây thương tích. Có em muốn gây sự chú ý nên hễ uống nước xong là ném ly xuống đất. Em thì trốn vào góc phòng, em lại chạy ra đường... Hầu hết, trẻ mắc chứng tự kỷ đều tiểu tiện, đại tiện không đúng chỗ nên các cô khá vất vả. Hàng đêm, các cô lại phải đi quanh ở các phường, vận động phụ huynh có con chậm phát triển để các em được đến lớp.
Một ngày của cô Quân lúc nào cũng bận rộn. Bắt đầu từ 6h30 sáng đến 17h30 khi phụ huynh đến đón cháu, cô mới trở về nhà. Lớp học của cô có 17 em ở các độ tuổi khác nhau từ 6 đến 10 tuổi. Một lớp có hai cô, đảm nhận công việc dạy dỗ và chăm sóc. Chương trình dạy học sinh tự kỷ không có giáo án giống nhau khi tùy vào tình trạng của trẻ. Thế nên, cô tiếp cận các phương pháp giáo dục đặc biệt tiên tiến trong và ngoài nước để hỗ trợ các em một cách tốt nhất. “Giáo viên phải dạy tất cả mọi thứ, từ những động tác đơn giản, như thổi, nhai, cầm, nắm đồ vật, mặc quần áo, cài khuy áo, cột dây giày… Cái khó là hướng dẫn hàng chục lần, các em mới làm được những động tác đơn giản nhất. Chỉ có tình yêu thương mới giúp chúng tôi luôn luôn đồng hành cùng các em”, cô Quân bộc bạch.
Trong câu chuyện với chúng tôi, niềm vui cứ lấp lánh khi cô kể về học trò của mình. Tôi hiểu cảm giác tuyệt vời ấy cứ đọng mãi trong tâm hồn cô khi can thiệp thành công. Sự thay đổi tuy ít và chậm, nhưng đối với cô và trò đều rất giá trị. “Có khi các em chậm nói gọi một tiếng “cô ơi”, những tiếng bi bô đầu đời ấy đã khiến chúng tôi nghẹn ngào, xúc động. Có em nhìn tôi với ánh mắt long lanh, nhẹ nhàng cầm tay tôi. Người tôi cứ lâng lâng và cảm nhận sự ấm áp trong cách cầm tay của cháu”, cô xúc động kể.
Giờ đây, nhiều học trò của cô Quân đã biết giữ vệ sinh trường, lớp. Có em đã biết lau chùi bàn ghế, quét nhà, cất dọn chén bát, biết quan tâm đến cha mẹ, anh chị em của mình hơn. Nhiều em rất tình cảm mỗi khi ăn ngon đều dành phần đem về cho cô giáo. Hạnh phúc hơn của cô giáo dạy trẻ chậm phát triển khi chứng kiến các em tiến bộ từng ngày. Một số em đã biết ghép và đọc được các từ, câu đoạn văn, nhận biết và đếm được các số, thực hiện được các phép tính cộng trừ đơn giản. Nhiều em học được một số môn văn hóa và đã được nhà trường chuyển sang học các lớp hòa nhập.
Đã nhiều lần, Ban Giám hiệu Trường TH Thuận Thành tạo điều kiện cho cô Quân ra dạy ở lớp học bình thường nhưng cô đều từ chối. Càng gắn bó với các bé, cô lại nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống. “Dạy bọn trẻ buồn ít, vui nhiều chị ạ”, niềm hạnh phúc đong đầy trên gương mặt của cô giáo sinh năm 1978 khi nói về học trò của mình. Với cô Quân, dạy trẻ tự kỷ không chỉ bằng tình thương, mà còn như một niềm đam mê.
Lê Thị Vĩnh Quân là một trong hai giáo viên ở Thừa Thiên Huế được ngành giáo dục bình chọn dự lễ tri ân nhà giáo nhân dịp 20/11 được tổ chức tại Hà Nội năm 2018. |
Bài, ảnh: Huế Thu