Vào lớp 10 công lập không phải là sự lựa chọn duy nhất của nhiều học sinh THCS. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát trở lại COVID-19)
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thường khá áp lực vì đây là một trong những kỳ thi quan trọng nhất của học sinh. Thực tế, rất nhiều phụ huynh kỳ vọng con em mình trúng tuyển vào môi trường giáo dục tốt, phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình. Thế nên, cuộc đua vào các trường công lập ở các trường tốp trên lúc nào cũng nóng.
Năm học 2020-2021, điểm chuẩn của các trường tốp trên, như trung học phổ thông (THPT) Hai Bà Trưng (53,7 điểm), THPT Nguyễn Huệ (51,4 điểm) đều cao hơn năm trước từ 4 đến 5 điểm. Học sinh chọn nguyện vọng 1 cũng phải lượng sức nếu không “sai một ly đi một dặm”. Bởi, Trường THPT Cao Thắng lấy nguyện vọng 1 là 39,7 điểm, THPT Nguyễn Trường Tộ (41 điểm) thì NV2 sẽ phải nắm chắc trong tay 47,9 điểm mới có cơ hội vào học. Với điểm chuẩn nguyện vọng hai khá cao nên, các trường dễ dàng nhận thêm được học sinh có đầu vào chất lượng.
Theo thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo, năm học 2020-2021, số học sinh đăng ký vào các trường trên địa bàn TP. Huế là 5.472 em; trong đó, có 4.787 em đăng ký nguyện vọng 1. Nghĩa là, ngay từ đầu nhiều em chủ động không đăng ký thi vào lớp 10 mà tiếp tục việc học theo hướng khác. Đặc biệt, có trường THPT tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ THCS. Điều này phản ảnh xu hướng phụ huynh và học sinh đã có sự lựa chọn, tìm trường mà không căn cứ vào kết quả của kỳ thi.
Chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2020-2021 thắt lại, khi có 30% được phân luồng học nghề. Không có suất vào lớp 10 công lập không đồng nghĩa với việc con đường học hành của các em phải gián đoạn. Sẽ không thiếu chỗ học, học sinh có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác như: học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng. Ngoài ra, các em có thể lựa chọn đi du học tùy điều kiện, nhu cầu.
Học hệ nào thì bằng tốt nghiệp THPT cũng như nhau, trong khi hệ giáo dục thường xuyên có số môn ít hơn, học phí thấp, học sinh có thời gian đầu tư cho việc thi đại học. Hệ thống giáo dục dạy nghề trong tỉnh rất ổn vì các trường đã đầu tư trang thiết bị, có trường đào tạo theo chuẩn khu vực. Hơn nữa, tổng chỉ tiêu đào tạo ở những hệ này thừa sức đáp ứng chỗ học cho học sinh.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, hệ thống các trường nghề đang nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp đào tạo, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên. Ngoài ra, hình thức học trung cấp hiện có nhiều ưu điểm như học sinh được miễn học phí, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên bậc cao đẳng, đại học.
Xét cho cùng, tương lai của mỗi người là có một nghề nghiệp ổn định. Vì thế, việc thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10 không phải là kết thúc quá trình học của các em. Với rất nhiều chính sách ưu đãi, nhiều ngành nghề đang cần những người thợ giỏi thì việc học nghề là một xu thế tất yếu. Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra cho các em lựa chọn.
Bài, ảnh: Huế Thu