Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế
Điều chỉnh kế hoạch
Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải đẩy lùi thời gian kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển đại học (ĐH). Bên cạnh đó, đợt mưa lũ dài ngày vừa qua tiếp tục khiến công tác nhập học bị “chậm tiến độ”. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, do mưa lũ, Bộ GD&ĐT cho phép gia hạn thời gian xác nhận nhập học đến ngày 20/10. “Sự thay đổi đó dẫn đến kế hoạch nhập học và bắt đầu năm học mới của tân sinh viên có những điều chỉnh theo hướng lùi về mặt thời gian”, TS. Nguyễn Công Hào phân tích.
PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm cho biết, sau khi xác nhận nhập học, thí sinh sẽ làm thủ tục nhập học để bắt đầu năm học mới. Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài tại miền Trung, các cơ sở đào tạo tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ nhập học cho thí sinh vùng ngập lụt muộn hơn vài ngày để đảm bảo công bằng, đúng quy định.
Đến cuối tháng 10/2020, tân sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại một số trường bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, so với mọi năm, thời gian học đã chậm hơn khoảng 1,5 tháng, vì vậy cũng có những điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo khung chương trình và kế hoạch học tập học kỳ 1 cũng như toàn năm.
Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, sinh viên các khóa trên (từ năm 2 trở lên) đã học từ 24/8, trong khi tân sinh viên nhập học muộn. Mỗi học kỳ có 15 tuần đào tạo. Để đảm bảo tiến độ, dự kiến trong giai đoạn sắp tới, có thể tăng từ 2 lên 3 tiết/tuần, từ đó có thể rút ngắn được 5 tuần, đảm bảo tiến độ chung.
Lợi thế hình thức đào tạo hiện nay theo tín chỉ, vì vậy, việc điều chỉnh kế hoạch học tập sẽ có những thuận lợi. PGS.TS. Trần Thanh Đức cho hay, thông thường học kỳ 1 thường bố trí 15 tín chỉ. Với điều kiện thời gian nhập học muộn hơn, trường xem xét giảm số tín chỉ học kỳ 1 xuống còn 12 tín chỉ, đồng thời sẽ tăng số tín chỉ tương đương sang học kỳ 2. Ngoài ra, nếu trước đây bố trí tuần sinh hoạt công dân đầu khóa vào những ngày trong tuần thì hiện nay sẽ linh động sắp xếp vào những ngày cuối tuần.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, sinh viên sẽ được tổ chức học tập trước, sau đó dự kiến khai giảng vào tháng 11/2020 (muộn hơn khoảng 1 tháng so với mọi năm), phương án đào tạo có thể kết thúc năm học muộn hơn nhưng vẫn đảm bảo có khoảng thời gian nghỉ giữa 2 học kỳ. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Công Hào, các trường hiện có 1 – 2 tuần dự phòng trong khung thời gian đào tạo. Khoảng thời gian đó cũng có thể giúp các trường điều chỉnh, đảm bảo kế hoạch giảng dạy.
Sẽ tập huấn cho tân sinh viên học trực tuyến
Đối với tân sinh viên, ưu tiên số một vẫn là đào tạo trực tiếp tại giảng đường, song, để chủ động trong công tác đào tạo trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, các trường sẽ chủ động tập huấn, hướng dẫn cho tân sinh viên làm quen với hình thức đào tạo trực tuyến.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, phương án hướng đến là có thể tập huấn sớm ngay sau khi tân sinh viên vào học nhằm tăng khả năng thích ứng hình thức đào tạo trực tuyến. Trong điều kiện dịch bệnh hay những trường hợp không thể tổ chức học tập trung tại trường, có thể học qua online. Việc tập huấn sớm sẽ tránh tình trạng bị động, chưa thực sự hiệu quả như đợt học trực tuyến do dịch COVID-19 đầu năm 2020.
Sau quá trình hướng dẫn và cho sinh viên làm quen với hình thức học trực tuyến, có thể tăng cường giảng dạy một số môn lý thuyết qua hình thức đào tạo trực tuyến, đảm bảo được kế hoạch đào tạo hợp lý. Lợi thế hiện nay giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ thông tin nên sẽ dễ dàng trong việc hướng dẫn phương thức đào tạo mới, bên cạnh hình thức đào tạo trực tiếp.
Đại diện các trường cho rằng, tùy điều kiện thời tiết những ngày tới, sẽ có những điều chỉnh kế hoạch đào tạo, phương án đào tạo phù hợp, vừa đảm bảo tiến độ chung, vừa đảm bảo được chất lượng giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên.
Bài, ảnh: Hữu Phúc