ClockThứ Bảy, 11/06/2022 14:15

Đào tạo nguồn nhân lực cho các nước bạn

TTH - Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đại học (ĐH) Huế và các đơn vị đào tạo đang nỗ lực góp sức đào tạo nguồn nhân lực cho các nước bạn, không chỉ nâng uy tín thương hiệu mà còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Đại học Huế đẩy mạnh kết nối doanh nghiệpHội thảo bàn về quản trị và tự chủ đại họcTriển khai thí điểm học phần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Học viên Lào nhận bằng thạc sĩ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Ảnh: ĐHKH

Góp sức đào tạo nguồn nhân lực

Cuối tháng 5/2022, ngay trên đất nước bạn Lào, 14 học viên ngành Khoa học Môi trường liên kết giữa Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế với Trường ĐH Savannakhet - CHDCND Lào được Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng thạc sĩ khoa học.

PGS. TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học chia sẻ, năm 2018, các thí sinh trên trúng tuyển khóa cao học 2018-2020. Dựa trên tình hình thực tế và nhu cầu của các học viên, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế và Trường ĐH Savannakhet đã thống nhất tổ chức đào tạo tại Trường ĐH Savannakhet theo đề án được Giám đốc ĐH Huế phê duyệt. Mặc dù quá trình tổ chức đào tạo gặp nhiều khó khăn do đường sá xa xôi, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự liên kết chặt chẽ của hai trường, nhiều giảng viên đã dành thời gian sang nước bạn để giảng dạy cho học viên. Đáng mừng là kết quả học tập cuối khóa và bảo vệ luận văn có 100% học viên đạt loại khá giỏi.

Không chỉ riêng Trường ĐH Khoa học, những năm qua, nhiều đơn vị đào tạo ĐH khác tại Huế cũng góp sức đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho các nước láng giềng, trong đó phải kể đến Trường ĐH Luật, Trường ĐH Nông Lâm, Viện Công nghệ sinh học… PGS. TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông Lâm cho biết: “Giai đoạn 2017-2021, thông qua hỗ trợ của chương trình MEKARN (Thụy Điển), nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo chương trình tiến sĩ ngành Chăn nuôi bằng tiếng Anh cho 10 nghiên cứu sinh, trong đó có 1 nghiên cứu sinh của Campuchia, 7 nghiên cứu sinh đến từ Lào”.

Theo PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế, hiện nay, đơn vị đang đào tạo, hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh đến từ nước bạn Lào. Các cán bộ hướng dẫn đều rất tận tình để hỗ trợ nghiên cứu sinh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu.

Góp sức kết nối khu vực và nâng cao trách nhiệm giữa các trường ĐH, hướng tới con người và xã hội nói chung cũng như tăng cường nguồn lực và khả năng đóng góp hướng tới cộng đồng, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt của các trường ĐH. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, nhiều năm qua, ĐH Huế đã và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số nước Đông Nam Á. Hằng năm, ĐH Huế có nhiều chương trình đào tạo bậc ĐH cho hàng trăm sinh viên nước bạn Lào. ĐH Huế cũng đã mở rộng thêm các chương trình đào tạo sau ĐH cho học viên nước ngoài, chú trọng đến các chương trình đào tạo, giảng dạy bằng tiếng Anh để không chỉ nâng cao năng lực của người học mà có thể mở các khóa giảng dạy tại các nước. Các công tác từ quản lý, xây dựng chương trình đến công tác giảng dạy chuyên môn được ĐH Huế và các đơn vị đào tạo làm rất kỹ, hướng đến đào tạo tốt nhất cho các học viên.

Nỗ lực tìm học bổng cho học viên nước bạn

Thời gian qua, sinh viên các nước bạn, chủ yếu là Lào theo học tại ĐH Huế theo 3 nguồn, đó là theo các hiệp định của Chính phủ, từ ký kết của tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh Nam - Trung Lào và các sinh viên theo học tự túc. Đối với đào tạo sau ĐH, mức học phí và các khoản khác cao hơn, nhưng các đơn vị đào tạo cũng nỗ lực tìm nguồn hỗ trợ cho học viên.

Theo PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, với mức học phí tăng, kinh phí học phí, sinh hoạt phí và các khoản khác với rất nhiều học viên nước ngoài là một áp lực lớn. Đối với hai nghiên cứu sinh Lào đang học tập, nghiên cứu tại đơn vị, Viện đang hỗ trợ 100% kinh phí nghiên cứu từ giảng viên hướng dẫn và 20 triệu đồng cho mỗi nghiên cứu sinh về kinh phí làm luận án. Nhu cầu học viên là có, trước nỗi lo của học viên về học phí, sinh hoạt phí, đơn vị đào tạo phải cố gắng tìm các nguồn học bổng để hỗ trợ người học. Song song với kế hoạch chuẩn bị sang nước bạn để quảng bá tuyển sinh, Viện cũng đang nỗ lực tìm học bổng cho học viên.

PGS. TS. Hoàng Công Tín khẳng định, đối với đào tạo học viên quốc tế, đơn vị đào tạo luôn xác định là góp sức trong đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn, cũng vì vậy yếu tố thực hiện nghĩa vụ quốc tế được đặt lên trên. Ngoài các học bổng của Chính phủ, tỉnh, ĐH Huế thì nhà trường, khoa và các cán bộ cũng nỗ lực tìm học bổng độc lập từ quỹ học bổng, tổ chức quốc tế, các dự án… để hỗ trợ học viên.

Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top