Lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương
Tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai, do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký, chỉ rõ: Lương giáo viên là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Chính phủ.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai thay đổi đáng kể chế độ đãi ngộ với giáo viên. Ảnh: TTXVN
Theo tờ trình, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương giáo viên còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.
Điều 81 dự thảo đề xuất: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004), hiện có 12 bậc lương. Ở mức cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 bao gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên... cao cấp có hệ số từ 6.2 đến 8.0.
Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì có thể tương đương với nhóm lương viên chức của các bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên cao cấp.
Hiện nay, giáo viên trung học cao cấp thuộc loại A2 nhóm 2, hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học loại A1, hệ số lương từ 2.34 đến 4.98. Giáo viên trung học cơ sở xếp loại A0, hưởng hệ số lương từ 2.1 đến 4.89. Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non xếp loại B, hưởng hệ số lương từ 1.86 đến 4.06.
Miễn học phí tới cấp Trung học cơ sở
Cũng theo dự thảo các học sinh từ tiểu học đến THCS hệ công lập sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Đây được xem là cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trước đó, học phí chỉ được miễn cho học sinh tiểu học trường công lập.
Cụ thể, trong phần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 ghi rõ: “Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí”.
Tuy vậy, trong dự thảo cũng cho phép các cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ được quyền xây dựng mức thu học phí để đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý: “Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.”
Dự thảo Luật giáo dục được lấy ý kiến rộng rãi đến 16/1/2018. Theo kế hoạch, tháng 5/2018, dự thảo sẽ được trình Quốc hội và thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Theo Báo Tin tức