ClockThứ Bảy, 16/01/2021 06:45

Điều tiết giáo viên khi học sinh được tự chọn môn học

TTH - Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT là ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn 5 môn học. Điều này khiến các trường lo lắng liệu có xảy ra tình trạng giáo viên một số bộ môn thất nghiệp hay không?

Giáo dục thể chất cho sinh viên theo mô hình câu lạc bộGiảm tải và chủ động chọn môn họcVì sao thí sinh chuộng môn xã hội?

Học sinh được lựa chọn môn học vào năm 2023. Ảnh Hữu Phúc

Học sinh thích thú, giáo viên âu lo

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022-2023. Học sinh chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn). Đó là nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Lần đầu tiên, chương trình mới chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Việc học sinh được lựa chọn môn học khiến nhiều em vui mừng vì sắp tới thay vì phải “cõng” tất cả các môn là chỉ phải học nhóm môn theo năng lực, sở trường, sở thích và có dự định để thi vào đại học… Cách làm này giúp học sinh được đào sâu kiến thức, với quỹ thời gian dài giúp cho quá trình nghiên cứu khoa học tập trung không ảnh hưởng đến các môn khác.

Học sinh Trường THPT Gia Hội trong một tiết học

Yêu cầu này đòi hỏi giáo viên sẽ phải đầu tư chuyên môn sâu hơn và sử dụng quỹ thời gian tốt nhất. Giáo viên sẽ phải thay đổi liên tục phương pháp giảng dạy, thỏa sức sáng tạo: Học nhóm, thuyết trình, học dự án, dạy tích hợp, nghiên cứu khoa học, sân khấu hóa, làm phim... Phát huy được thế mạnh của giáo viên nếu biết cách phối hợp mỗi giáo viên có thể chia ra dạy theo chuyên đề. Tuy nhiên, nhiều giáo viên băn khoăn rằng, khi học sinh tự chọn môn học liệu có ảnh hưởng đến công việc của giáo viên, đặc biệt là ở các môn mà học sinh ít lựa chọn.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy sinh băn khoăn: Môn sinh học hiện có sự bất cập giữa học và thi khi thời lượng học ít, không có thời gian thực hành nhưng đề kiểm tra, thi cử lại có nhiều câu hỏi nâng cao, luyện tập. Do đó, nếu không được ôn luyện thi, học sinh khó đạt được điểm cao. Môn sinh học được bố trí trong các khối, như B (toán, hóa học, sinh học); B08 (toán, sinh học, tiếng Anh)…, nhưng những khối ngành này có điểm tuyển sinh rất cao. Như vậy, thi tốt nghiệp đề khó, điểm thấp, khối ngành ít, điểm tuyển lại cao, học sinh ngại chọn là điều tất yếu.

Sẽ có sự điều tiết về đội ngũ giáo viên

Một số trường đang “đau đầu” tính toán các phương án nếu học sinh chọn không đồng bộ giữa các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… dẫn đến dư giáo viên ở một số bộ môn thì sẽ phải giải quyết thế nào. Thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Điền (TX. Hương Trà) chia sẻ, trong quá trình tập huấn về đổi mới chương trình, các trường cũng đã tính đến phương án, những bộ môn học sinh lựa chọn quá ít, không lập được lớp thì nhà trường có phải liên kết với các trường khác trong việc bố trí giáo viên đứng lớp để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Để tránh tình trạng này, các trường sẽ xây dựng tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học trong chương trình (đảm bảo mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn) và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường, nhất là đảm bảo định mức giờ dạy cho giáo viên. Theo thầy Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, đã cho phép học sinh chọn môn học thì phải đáp ứng sự lựa chọn của các em. Nhưng trên thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, con người không đáp ứng được nên nhà trường sẽ trao đổi, định hướng để tổ chức học tập trong điều kiện cho phép, không xảy ra tình trạng môn chọn quá nhiều hoặc quá ít”.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện giáo viên ở các trường vẫn còn thiếu nhưng ngành giáo dục sẽ phải tính toán, tuyển hạn chế để tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các trường học. Đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục sẽ điều tiết giáo viên dạy các môn học ở các trường sao cho phù hợp với tình hình.

Chương trình GDPT mới cho học sinh được quyền lựa chọn môn học là dân chủ, phù hợp xu thế, đồng thời đáp ứng chương trình phân hóa nghề nghiệp ở bậc học. Tuy nhiên, khi thực hiện nội dung này, phải có quy chế, chính sách phù hợp về đội ngũ và cơ sở vật chất để khi học sinh lựa chọn, nhà trường đáp ứng được nguyện vọng của các em, tránh chuyện “định hướng phù hợp với điều kiện thực tiễn”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top