Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế tốt nghiệp năm 2020 với tỷ lệ xuất sắc, giỏi khá cao
Giáo dục đại học đặc sắc
Cuối năm 2018, khi Nguyễn Thị Phương Lan, sinh viên Trường đại học (ĐH) Luật, ĐH Huế được xướng danh trở thành hoa khôi sinh viên Việt Nam, nhiều người ngạc nhiên khi biết nữ sinh đến từ Hải Dương. Phương Lan chia sẻ: “Lý do chọn Huế để học mà không phải Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh không chỉ vì em thích cuộc sống yên bình tại Cố đô mà chất lượng giáo dục ĐH Huế có thương hiệu”.
Thống kê từ ĐH Huế khiến nhiều người bất ngờ khi những năm qua, không chỉ riêng miền Trung, Tây Nguyên – vùng trọng điểm tuyển sinh của ĐH Huế, mà học sinh ở nhiều tỉnh thành hai đầu đất nước cũng đăng ký xét tuyển vào các cơ sở đào tạo của ĐH Huế. Đại diện bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tiết lộ, chỉ trong năm 2020, trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường, có nhiều thí sinh từ Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng…
Không phải vô cớ, thí sinh lại chọn ĐH Huế làm đích đến để gửi gắm tương lai. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, qua 63 năm xây dựng và phát triển, ĐH Huế có những đặc sắc trong giáo dục và đào tạo ngành nghề phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Số lượng ngành nghề của ĐH Huế khá lớn, có đến gần 150 ngành trình độ ĐH, với khá đầy đủ các ngành nghề từ y dược, sư phạm, nông lâm, luật, kinh tế, ngoại ngữ…
ĐH Huế có những điểm đặc biệt, khác với các cơ sở đào tạo trong cả nước. Điển hình, nếu các trường ĐH Sư phạm trên cả nước đào tạo tổng hợp các lĩnh vực giáo viên, khoa học, ngoại ngữ thì Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế là trường duy nhất trên cả nước chỉ chuyên đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, trong 5 ĐH Quốc gia và ĐH vùng, chỉ duy nhất ĐH Huế có đào tạo nghệ thuật. Ngoài ra, ĐH Huế có đầy đủ các ngành nông lâm ngư nghiệp, gắn liền với vùng sinh thái ven biển và vùng đồi núi.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, đào tạo sau ĐH cũng có nhiều điểm đặc biệt, trong đó ĐH Huế là ĐH duy nhất đã đào tạo du lịch ở các bậc học và đang tiếp tục cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển du lịch của đất nước. Hiện, ĐH Huế có đến 102 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 55 ngành đào tạo tiến sĩ.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, năm 2018, ĐH Huế đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, nay là một trong ba trung tâm của cả nước đào tạo giáo viên khởi nghiệp và tạo dựng môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua Chương trình 844 và 1665 quốc gia.
Phấn đấu lọt top 1.000 thế giới
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị khẳng định rất rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐH Huế nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu chung của toàn nhiệm kỳ là xây dựng, phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia Huế theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 ở trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á và 1.000 các trường ĐH thế giới, trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Thực hiện mục tiêu trên, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ và nhiều giải pháp liên quan là rất quan trọng. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh cho biết, ĐH Huế đang nỗ lực để tỷ lệ tiến sĩ đạt 50% (khoảng 1.450 viên chức), tức là tăng hơn 20% so với hiện nay. Bên cạnh đó, có khoảng 400 viên chức đạt chức danh giáo sư và phó giáo sư, 500 giảng viên đạt chức danh giảng viên cao cấp.
Cùng với việc phát triển đội ngũ, ĐH Huế đang triển khai nhiều giải pháp để tăng số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín lên 20%/năm, đạt mức 600 bài năm 2022 và 1.000 bài năm 2025. “Để tăng thêm những thành tựu về công bố quốc tế các công trình nghiên cứu khoa học, ĐH Huế đang đẩy mạnh chính sách khen thưởng, quyền lợi cho các nhà khoa học; đầu tư, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Đặc biệt, sẽ có những khích lệ đáng kể cho những tác giả có bài báo có chỉ số trích dẫn cao có sức tác động và hiệu quả. Đây là giải pháp thúc đẩy công bố quốc tế, qua đó góp phần tăng vị thế trên bảng xếp hạng ĐH”, đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế cho biết.
ĐH Huế cũng đang chủ động rà soát, sắp xếp và tiếp tục tái cơ cấu về tổ chức, nguồn lực, ngành nghề đào tạo theo định hướng nghiên cứu, trên tinh thần đẩy mạnh tự chủ ĐH.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC