ClockThứ Tư, 05/02/2020 06:30

Đo lường sự hài lòng của sinh viên với dịch vụ giáo dục

TTH - Trong xu thế mới, giáo dục từ phúc lợi, phục vụ công đang dần chuyển sang dịch vụ. Để thu hút “khách hàng” là người học, các cơ sở đào tạo phải đảm bảo chất lượng giáo dục và việc đo lường sự hài lòng của sinh viên với dịch vụ giáo dục là điều quan trọng.

Không thu giá dịch vụ dự thi THPT quốc gia với tất cả thí sinhThủ tướng chỉ thị tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viênỞ đâu có học sinh đến trường, ở đó có giáo viên

Sinh viên Trường ĐH Y dược, ĐH Huế tham gia lớp tập huấn kỹ năng mềm trong thời đại 4.0

Nhiều chỉ số được đo lường

Lần đầu tiên triển khai đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với dịch vụ giáo dục của Đại học (ĐH) Huế (cuối năm 2019), kết quả phản ánh từ sinh viên cho thấy, bên cạnh những chỉ số tích cực, vẫn có nhiều điểm đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nhìn nhận lại.

Đại diện ĐH Huế cho biết, cụ thể, ở chỉ số điểm hài lòng lĩnh vực (điểm trung bình các câu hỏi thuộc 1 trong 5 lĩnh vực: tiếp cận dịch vụ giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của bản thân) thì ở lĩnh vực tiếp cận giáo dục, điểm hài lòng cao nhất là 3,97 (thang điểm 5) nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lại nhận được điểm hài lòng thấp nhất (điểm trung bình 3,57).

Trong khi chỉ số điểm hài lòng chung của sinh viên năm 1 khá cao là 3,89 thì nhiều sinh viên năm 2 ít hài lòng hơn (điểm trung bình 3,8), và ở tỷ lệ hài lòng chung, kết quả khảo sát cũng cho thấy mới chỉ có 66,72% sinh viên khẳng định hài lòng. Nói cách khác, còn khá nhiều sinh viên chọn mức bình thường, không hài lòng, thậm chí là rất không hài lòng theo những câu hỏi khảo sát ĐH Huế đặt ra.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế chia sẻ, nhìn chung các chỉ số khảo sát trong lần đầu triển khai đánh giá khá phù hợp. Trong kết quả khảo sát, chỉ số sự mong đợi của sinh viên đối với việc cung ứng dịch vụ giáo dục của ĐH Huế và các cơ sở đào tạo ĐH cho thấy ĐH Huế đáp ứng được khá tốt sự mong đợi của sinh viên khi đến theo học (78,71%), trong đó Trường ĐH Sư phạm đạt đến 84,16%. Việc đánh giá trên là cơ sở để ĐH Huế xem xét, nhìn nhận từ đó tiếp tục có những chiến lược giáo dục và đào tạo hiệu quả hơn.

Chuyên gia của Google tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên

Mở rộng quy mô & chú trọng điểm chưa tốt

Trong bối cảnh tự chủ ĐH, người học được so sánh như khách hàng, trong khi ở triết lý quản lý chất lượng tổng thể, hướng đến khách hàng là một trong những yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của các đơn vị nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục nói riêng. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành những kế hoạch liên quan việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

ĐH Huế đang hướng đến trở thành ĐH Quốc gia, tuy kết quả khảo sát trên của ĐH Huế tương đối tốt, song vẫn rất cần những điểm cộng thêm ở chỉ số hài lòng của sinh viên và việc tiếp tục triển khai khảo sát diện rộng là điều cần làm. Trên thực tế, ĐH Huế có gần 50.000 sinh viên chính quy, song mới tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của 5.069 sinh viên của 8 cơ sở đào tạo thành viên, trực thuộc, tức là mới chỉ đạt hơn 10%, còn mang tính đại diện. Khi mẫu khảo sát càng lớn, sai số sẽ càng thấp, đồng thời khi sinh viên tất cả ngành nghề đào tạo được khảo sát một cách cụ thể thì tính đặc thù đề tào tạo và những yếu tố liên quan trong khảo sát sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Điều quan trọng, khảo sát là thước đo để đánh giá và nhìn nhận. Trong khi giáo dục ĐH đang phải thay đổi liên tục để phù hợp thực tiễn xã hội và nâng cao chất lượng thì việc kiểm chứng từ người sử dụng dịch vụ giáo dục rất cần thiết. Song, không thể chỉ nhìn mặt tích cực để phát huy mà cần quan tâm nhiều hơn đến những chỉ số chưa hài lòng của sinh viên để xác định được những tồn tại từ đó tìm giải pháp khắc phục phù hợp.

Nguyễn Trọng Nhân, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế bày tỏ, cần có những câu hỏi xác đáng hơn, hoặc có một kênh đánh giá khách quan, sinh viên sẽ dễ chỉ ra những điểm chưa hài lòng đối với cơ sở giáo dục. Vướng mắc lâu nay mà sinh viên còn ngần ngại là tâm lý khi đưa ra nhận định, đánh giá đối với trường lớp, thầy cô của mình.

Theo TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế, không chỉ dừng lại ở lần đầu tiên, ĐH Huế sẽ tiếp tục triển khai đánh giá những chỉ số hài lòng của sinh viên theo hướng phù hợp nhất qua đó thu thập, phân tích một cách khoa học để tiếp tục nâng cao hơn chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục ngày càng tốt hơn cho người học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top