Cấp học mầm non vẫn thiếu giao viên
Một trong những mục tiêu trọng tâm mà ngành giáo dục đặt ra trong năm học 2019 - 2020 là giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thiếu giáo viên nhiều nhất vẫn là bậc mầm non. Ảnh: TTXVN
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định. Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số. Hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%, do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết: Từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ, tương ứng tăng thêm trên 41.000 nhóm/lớp, nhu cầu cần thêm khoảng 80.000 giáo viên). Trong khi đó, số lượng giáo viên được tuyển dụng hàng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Trong đó, công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy môi trường lớp tăng hằng năm. Bên cạnh đó, việc đáp ứng đủ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới là cần thiết.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cấp THCS, số lượng giáo viên Âm nhạc và giáo viên Mỹ thuật cơ bản là đủ, bởi cấp học này mỗi môn đều có giáo viên thuộc chuyên ngành của môn đó giảng dạy. Nhưng những giáo viên chuyên biệt môn âm nhạc và môn mỹ thuật cấp tiểu học hiện nay đang thiếu cục bộ. Riêng với cấp THPT, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 môn này sẽ được đưa vào là môn tự chọn, trong khi đó hơn 2.800 trường THPT trên cả nước hiện chưa hề có giáo viên giảng dạy cả hai môn học này (bởi nội dung chương trình hiện hành chưa có các môn học nghệ thuật).
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với cấp tiểu học, nếu mỗi trường có 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì hiện nay còn thiếu 2.199 giáo viên Âm nhạc và 2.093 giáo viên Mỹ thuật. Những trường tiểu học thiếu giáo viên Âm nhạc hoặc Mỹ thuật thì giáo viên ở trường đó sẽ phải dạy luôn các môn này.
Bổ sung cấp bách giáo viên
Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, sẽ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đó là, Quảng Ngãi có 6 huyện (gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Nghĩa Hành, Minh Long) trong diện sắp xếp lại. Căn cứ vào tình hình thực tế, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ đồng ý cho 6 huyện nói trên được sử dụng giáo viên hợp đồng.
Một giải pháp của Hà Nội là đưa ra là xét tuyển hết số giáo viên đã ký hợp đồng, đóng bảo hiểm trên 5 năm rồi mới thi tuyển số giáo viên còn lại.
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT thì, hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát định mức chỉ tiêu số người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non để xây dựng đề án và đề xuất bổ sung thêm giáo viên cho ngành giáo dục. Đây là quyết định khá hợp lý trong bối cảnh các địa phương phải thực hiện Nghị quyết Trung ương về tinh giản biên chế. Chính phủ chỉ đạo là ở đâu có học sinh đến trường là ở đó có giáo viên. Rà soát để tăng chỉ tiêu biên chế là điều phải làm trước mắt.
“Bên cạnh đó các địa phương phải thực hiện, sắp xếp mạng lưới trường lớp có hiệu quả. Làm thế nào để những nơi có nhiều điểm lẻ, trường ít học sinh thì đưa vào theo quy chuẩn nhất định. Vấn đề là phải tận dụng nguồn lực từ giáo viên, cơ sở vật chất. Một giải pháp nữa là tăng cường xã hội hóa giáo dục. Làm thế nào để tăng tỷ lệ giáo dục mầm non ngoài công lập. Địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực cơ sở vật chất, tiết kiệm tài nguyên, xã hội hóa cơ sở mầm non công lập. Theo lộ trình sẽ dần dần bố trí đủ giáo viên theo quy định. Tất nhiên, đi cùng với đó là những đợt kiểm tra để đảm bảo giáo viên đáp ứng theo chuẩn”, ông Nguyễn Bá Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Minh cũng cho biết để đáp ứng ngay bài toán thiếu giáo viên thì không thể. Bởi đây đáp ứng tình trạng thiếu giáo viên trên cả nước là cả lộ trình.
“Đây là lộ trình dài và mang tính địa phương. Nhưng tôi tin chắc sau 2023 thì vấn đề thiếu giáo viên không trầm trọng như hiện nay, đặc biệt giáo viên mầm non”, ông Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức