Dự giờ sẽ không còn là nỗi vất vả của giáo viên (ảnh minh họa)
Cô giáo N.T. A, giáo viên Trường THCS D, kể: “Các tiết dự giờ đòi hỏi phải chuẩn bị công phu nên mỗi lần dự giờ là mình lại “thót tim”. Ngày đi dạy nhưng đêm phải nghiên cứu phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cho học sinh tiếp thu bài hiệu quả”.
Lâu nay hoạt động dự giờ cơ bản được xây dựng sẵn với mục đích làm mẫu, giáo viên, học sinh đã tập dượt trước khi vào tiết dự giờ thật. Nghĩa là, giáo viên phải “diễn”, học sinh được tập dượt nhiều lần để làm sao có một tiết học hoàn hảo. Thay vì học hỏi, góp ý để tiến bộ thì các cuộc dự giờ hầu như là một cuộc “bắt lỗi” giáo viên. Tất nhiên, mỗi khi quá quan trọng sự chỉn chu, mẫu mực trong tiết dự giờ khiến giáo viên, nhà trường chạy dài theo cuộc đua thành tích. Thế nên, người dạy mệt, người học mệt, đến người dự cũng thấy mệt, do phải tìm “sơ hở” trong tiết dạy của đồng nghiệp mà góp ý.
Ở một khía cạnh khác cũng có ý kiến cho rằng, để đánh giá hoạt động dự giờ có phải là “diễn” hay không thì tùy giáo viên và quan điểm của mỗi người. Sự chuẩn bị chu đáo có thể bị cho là diễn. Ngược lại, nếu một giờ học bê bối, lộn xộn sẽ bị cho rằng chất lượng giáo dục lâu nay của của lớp được dự giờ không tốt. Nhưng dù sao khi có dự giờ, giáo viên sẽ có sự chuẩn bị nhiều hơn về phương pháp, giáo án; luôn phải thao giảng những điểm mới cho đồng nghiệp theo dõi và góp ý.
Khi được hỏi có nên duy trì tiết dự giờ hay không và bao nhiêu tiết là đủ, nhiều giáo viên cho rằng, vẫn nên duy trì nhưng không nên để tiết dự giờ trở thành nỗi ám ảnh với học sinh và giáo viên. Cụ thể, không nên lấy tiết dự giờ để bình xét, đánh giá thi đua mà đơn thuần chỉ là tiết sinh hoạt chuyên môn, để trao đổi, giúp đỡ giáo viên nâng cao năng lực của mình. Đơn giản hơn khi các trường có thể cho quay hình các giờ dạy bất kỳ theo mong muốn của giáo viên và đánh giá, góp ý, thảo luận chuyên môn vừa tránh gây áp lực cho học sinh, giáo viên mà vẫn đảm bảo được mục tiêu tích cực của hoạt động dự giờ. Như vậy, không thể phủ nhận vai trò của dự giờ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề là phải tổ chức, tiến hành dự giờ như thế nào cho hợp lý.
Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 01/11/2020 thì giáo viên THCS, THPT sẽ không còn phải dự giờ, thăm lớp như trước đây. Khác với các thông tư trước đây, giáo viên không còn phải có “Sổ ghi chép dự giờ, thăm lớp”. Hoạt động dự giờ chỉ còn duy trì với giáo viên chủ nhiệm. Điều lệ này cũng nêu rõ việc giáo viên chủ nhiệm sẽ được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm. Nhìn chung có thể thấy hoạt động dự giờ không còn là một hoạt động giáo dục bắt buộc với các giáo viên THCS, THPT.
Quy định này chính là một phép thử cho hoạt động đánh giá, kiểm tra của giáo viên của các nhà trường. Tuy bỏ đi một quy định “cứng” nhưng vẫn nên khuyến khích các giáo viên góp ý, đánh giá cho nhau qua các giờ dạy. Bởi lẽ, các tiết dự giờ sẽ rất có ý nghĩa với các giáo viên trẻ trong cách tiếp cận phương pháp giảng dạy. Còn giáo viên lớn tuổi cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để bài giảng thêm phong phú. Đương nhiên, mọi thứ phải diễn ra trong “tự nguyện” chứ không phải “diễn” như trước đây.
Giáo viên THCS, THPT không còn phải dự giờ thực sự là tín hiệu tích cực nhằm hướng hoạt động dạy học đi vào trọng tâm tránh bệnh thành tích và lãng phí thời gian.
Bài, ảnh: An Nhiên