ClockThứ Hai, 07/01/2019 05:30
Truyền thông trong trường cao đẳng, đại học:

Đừng chờ “hữu xạ tự nhiên hương”

TTH - So với nhiều trường cao đẳng, đại học (ĐH) trên toàn quốc, kể cả các trường ngoài công lập, một số cơ sở giáo dục tại Huế vẫn còn bị hạn chế về truyền thông.

Đẩy mạnh truyền thông & tương tác với người học

Quảng bá, truyền thông tốt sẽ tạo ra lợi thế thu hút người học

Bị động & thiếu chuyên nghiệp

Vừa qua, các trường ĐH, cao đẳng tại Huế tổ chức nhiều sự kiện về khởi nghiệp và sân chơi lớn cho sinh viên, đáng tiếc là sức lan tỏa còn giới hạn. Không ít sự kiện đến khi diễn ra, nhiều người mới biết thông tin. Vấn đề trên đặt ra thực trạng đáng nghĩ, bởi hằng năm các trường tổ chức hàng chục hoạt động, nhưng đa phần gói gọn trong phạm vi nội bộ… “tự làm, tự biết”.

Quảng bá trước sự kiện đã yếu, việc chuyển tải thông tin sau khi sự kiện diễn ra cũng chậm. Dù hầu hết các trường ĐH, cao đẳng có hệ thống website, mạng xã hội để truyền thông, song nhiều hoạt động kết thúc vài ngày sau mới xuất hiện tin, bài liên quan.

Ông Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, trong khi các trường ĐH dân lập đầu tư truyền thông ngay từ khi mới thành lập thì đến nay khá nhiều trường công lập vẫn chưa có bộ phận truyền thông chuyên nghiệp, nguyên nhân chính do các trường chưa quan tâm đúng mức về công tác truyền thông. Một số trường tuy có đội ngũ cán bộ truyền thông nhưng lực lượng mỏng, thông thường 1 - 2 người, nhiều cán bộ “tay ngang”, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn. “Rõ nhất là về tuyển sinh, các trường cũng thành lập bộ phận truyền thông, nhân lực được điều động tạm thời từ các phòng chức năng, khoa chuyên môn. Họ có kiến thức về ngành nghề, song hạn chế về kinh nghiệm làm truyền thông nên khó chuyên nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Đội ngũ truyền thông thiếu chuyên nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề, dễ thấy nhất là thiếu những kế hoạch quảng bá từ ngắn hạn đến dài hạn, dẫn đến tình trạng bị động trong truyền thông. Mặt khác, còn hạn chế trong việc kết nối thông tin giữa các đơn vị trong trường để quảng bá.

Ngoài vấn đề nhân sự, khó khăn hiện nay là vẫn còn một số đơn vị giữ “quy chế” ràng buộc, tức là kiểm duyệt tất cả thông tin chuẩn bị đăng tải. Theo ông Hải, về mặt pháp luật là đúng, song cách làm chưa linh hoạt ít nhiều cản trở hiệu quả truyền thông.

Theo đánh giá một số chuyên gia truyền thông, nguyên nhân khác là việc liên kết các đơn vị truyền thông bên ngoài còn hạn chế. Do không đo lường được hiệu quả, nên họ rất "ngại" chi kinh phí cho các hoạt động truyền thông hay phối hợp với các cơ quan truyền thông.

Sớm thay đổi

Theo các chuyên gia giáo dục, nhiều trường ĐH hiện nay chú trọng tới nhiệm vụ chính là trang bị kiến thức cho sinh viên, ít quan tâm tới yếu tố thương hiệu, do quan điểm môi trường ĐH là hàn lâm, không đặt nặng yếu tố kinh doanh. Tuy nhiên, trong xu thế cạnh tranh giữa các trường ĐH hiện nay, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và tự chủ ĐH, quan điểm này dần không còn phù hợp. Giáo dục cũng là một loại hình “dịch vụ”, bên cạnh yếu tố chất lượng cần có nỗ lực “tiếp thị” và thúc đẩy hình ảnh. Minh chứng rất rõ là các ĐH lớn, như Havard, Oxford, Cambridge… tới các trường ĐH nhỏ đều có bộ phận truyền thông riêng.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, các cơ sở đào tạo và lãnh đạo các đơn vị cần thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của truyền thông, đồng thời cần đầu tư, chuyên nghiệp hóa lực lượng truyền thông trong trường thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn và có cơ chế đầu tư cho hoạt động truyền thông tốt hơn. Còn theo ông Hải, nếu không có cơ chế để thành lập bộ phận truyền thông chuyên nghiệp hoặc lực lượng tại chỗ khó đáp ứng, có thể thuê bộ phận truyền thông bên ngoài, nhất là đối với các sự kiện, hoạt động lớn, bởi dù khá tốn kém, song hiệu quả mang lại tương xứng.

Việc xây dựng cơ chế phối hợp các đơn vị với bộ phận truyền thông trong trường và giao quyền cho bộ phận truyền thông cũng cần được triển khai sớm. Bộ phận truyền thông phải đảm bảo chuyển tải thông tin nhanh, phối hợp tương tác với các cơ quan báo chí, truyền thông để tăng sức mạnh quảng bá.

Thuận lợi các trường ĐH đang có nhiều câu lạc bộ truyền thông trong sinh viên. Đây là đội ngũ rất tốt để làm nhiệm vụ chuyển tải, quảng bá thông tin và đảm nhận vai trò “đại sứ truyền thông” thu hút người học, thông qua quá trình tương tác với thí sinh và phụ huynh. Vấn đề quan trọng là cần tập huấn phương pháp, kỹ năng cho họ, đồng thời giao quyền, trách nhiệm để họ cùng tham gia vào các hoạt động quảng bá của nhà trường.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới

Trong 2 ngày 25 và 26/11, tại TP. Huế, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Return to top