Cô Thanh trong giờ giảng. Ảnh: NVCC
Thanh cười, giải thích: “Ông xã đồng nghiệp, chúng tôi gặp nhau thời sinh viên nên có thể nói khởi nguồn đúng là do sức mạnh của tình yêu. Nhưng rồi, chính cảnh đẹp của núi rừng và sự chân chất của con người nơi đây giúp tôi nhận ra mình đã lựa chọn đúng”.
Nhận công tác tại Trường tiểu học (TH) Phú Vinh, ngôi trường nằm sát biên giới Việt - Lào, tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số luôn chiếm từ 50 đến 60%, dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng những ngày đầu đến với nghề, Thanh vẫn có nhiều ngỡ ngàng. Lớp học có quá nhiều học sinh nghèo, các em đến trường với bụng đói và quần áo lấm lem; và khó khăn thứ hai của cô là bất đồng ngôn ngữ.
Tranh thủ giờ ra chơi, cô đến trò chuyện với những học sinh rụt rè, vừa học nghe, nói tiếng địa phương và dạy các em tiếng Việt; vừa tìm hiểu tâm tư của từng em để từng bước giúp các em cởi mở và thích đến trường hơn. Học sinh nào có ý định nghỉ học, cô tìm về tận nhà vận động phụ huynh, dù đôi lúc có người tỏ thái độ không muốn tiếp cô giáo...
Với quyết tâm “mưa dầm thấm đất”, một lần thuyết phục không được thì cô đến nhiều lần; trong lúc nói chuyện, thấy việc gì cô phụ làm việc đó, bọc lại quyển vở đến quét sân, rửa bát… cùng phụ huynh. Dần dần, ai cũng xem cô giáo như người nhà và có cách nghĩ khác về việc học của con cái. Như trường hợp em Hồ Văn Thơ, năm 2007 là học sinh Trường TH Vinh Phú, vì nhà nghèo đến trường không có đồng phục nên phải nghỉ học. Sau khi vận động được gia đình, cô vừa bỏ tiền mua áo quần, vừa tìm nguồn kêu gọi hỗ trợ giúp em có điều kiện tiếp tục đến trường. Không có điều kiện để học cao nhưng Thơ đã tốt nghiệp trung học phổ thông và trở thành công dân tốt.
Nghe và nói tiếng đồng bào tốt, không còn trở lực trong công tác giảng dạy, cô Thanh tập trung nâng cao chuyên môn; vừa tìm tòi tài liệu để học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do ngành tổ chức hàng năm; cô vừa áp dụng với thực tế địa phương để lồng ghép vào bài giảng giúp học sinh của mình tiếp thu bài nhanh.
Chị Phan Thị Chín, có con là học sinh cũ của cô Thanh bày tỏ: “Có những điều ngay bên cạnh, như sản vật, cây cối và lịch sử… nhưng chúng tôi không biết, nhờ cô giáo, các con mới biết bên kia núi địa phận của nước Lào; hay dệt zèng là nghề truyền thống của A Lưới…”.
Tình yêu và sự nhiệt huyết của mình với học sinh, với nghề; cô Thanh đã nhận được kết quả xứng đáng. Hơn 13 năm trong nghề, cô liên tục đạt giải giáo viên dạy giỏi các cấp; riêng năm 2017, đạt giải nhì cấp tỉnh. Tháng 2 năm nay, được luân chuyển về Trường TH A Đớt, cố tiếp tục dành nhiều thời gian cho học sinh. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô nhận được nhiều ánh mắt thân thiện, cởi mở của những cô, cậu bé vốn rụt rè, tự ti. Chỉ tay về phía cô bé P.loong Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 4, do cô Thanh chủ nhiệm, thầy Nguyễn Ánh, hiệu trưởng nhà trường, nói: “Tâm là một trong những học sinh rụt rè, được cô giáo quan tâm, giờ cháu không những không còn sợ đến trường mà còn mạnh dạn đưa tay phát biểu trong giờ học”.
Cô Thanh trải lòng, giúp các em hòa mình với lớp học, bạn bè chính là nguồn cảm hứng để tôi ngày càng yêu nghề hơn”. Và cô cũng khẳng định, nghề giáo không bao giờ nhàm chán dù bài giảng có lặp lại; bởi, tiếp xúc với mỗi thế hệ học trò, người giáo viên lại có cơ hội để làm mới mình, đổi mới cách dạy... để mỗi ngày đứng lớp luôn là ngày vui.
HƯƠNG LAN