Học sinh Trường tiểu học Khe Tre trong giờ học
Vừa hồng, vừa chuyên
Đầu năm 2021, có dịp ghé thăm Trường tiểu học (TH) Khe Tre, chúng tôi cảm nhận được một không gian học đường lý tưởng. Các dãy phòng học khang trang, sân trường thoáng mát và những học sinh ngoan hiền, lễ phép. Thầy giáo hiệu trưởng Trần Đức Triển cho biết, ngoài các chương trình lên lớp đảm bảo quy định, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những cơ sở giáo dục tiểu học đứng đầu toàn huyện Nam Đông trong các hoạt động giao lưu.
Khe Tre là một trong số 12 trường TH, huyện Nam Đông còn có 4 trường trung học cơ sở (THCS) và 2 trường TH & THCS. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện huy động được 100% em trong độ tuổi TH và 98% em trong độ tuổi THCS đến trường là một con số đầy khích lệ đối với mảnh đất vùng cao, cò nhiều khó khăn như Nam Đông. Đặc biệt, trong điều kiện vừa dạy học, vừa chống dịch và khắc phục hậu quả dịch bệnh, các trường học phổ thông vẫn triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.
Năm học qua, huyện Nam Đông có 98,1% học sinh được công nhận hoàn thành chương trình lớp học, 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình TH; trên 65,5% học sinh THCS được xếp loại lực khá giỏi. Tham gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước” lần thứ 9, huyện có 1 học đạt giải nhất cấp quốc gia; tham gia cuộc thi tin học cấp tỉnh, Nam Đông có 3 học sinh đạt giải, trong đó có 1 giải nhì.
Đến nay, huyện Nam Đông có 25/28 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; có 27/28 trường được đánh giá ngoài, trong đó đạt cấp độ 1 có 14 trường, cấp độ 2 có 4 trường và cấp độ 3 có 9 trường; có 15/16 thư viện đạt chuẩn trở lên, trong đó có 6 thư viện tiên tiến.
Thầy giáo Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông tâm huyết, nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên chuyển động toàn diện của giáo dục địa phương là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong công tác giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực.
Xóa bỏ khoảng cách
Huyện Nam Đông có Trường THCS dân tộc nội trú Nam Đông và 6 trường học vùng định canh định cư dân tộc ít người. So với học sinh vùng kinh tế mới, học sinh dân tộc ít người gặp nhiều khó khăn không chỉ trong việc tiếp thu bài vở mà còn ở nhận thức khi chưa chú trọng đến việc học và điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn.
Năm 2011, UBND Nam Đông có Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 - 2016”. Năm 2017, huyện Nam Đông tiếp tục có đề án cho giai đoạn 2017 - 2021 với mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc ít người trên địa bàn học tập, lĩnh hội tri thức; tạo đột phá trong công tác giáo dục mũi nhọn, coi trong phát triển giáo dục đại trà; giảm tỷ lệ học sinh yếu kém.
Hầu hết học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu bài chậm. Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Đông cho biết, nhà trường vận động và các giáo viên tích cực bám lớp, từ nghiên cứu để tìm ra cách dạy dễ hiểu đến chủ động phụ đạo, ôn tập nhằm đảm bảo yêu cầu học tập. Nhà trường còn chú tâm rèn luyện kỹ năng sống và đạo đức cho học sinh. Trong các đợt lũ bão vừa qua, nhiều giáo viên kiêm luôn cả việc đưa học sinh về nhà, đảm bảo an toàn tính mạnh cho các em.
Được sự đãi ngộ của Nhà nước và tận tâm truyền dạy của những thầy cô giáo, học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Đông tiến bộ vượt bậc trong rèn luyện và học tập. Tình trạng học bỏ học giảm hẳn và năm học này, không có học sinh bỏ học. Số lượng học sinh giỏi từ 10% cách nay 3 năm đã tăng lên 13,9% trong năm qua. Hằng năm, nhà trường có từ 2 - 3 học sinh giỏi cấp huyện. Thi vào Trường THPT Dân tộc nội trú Thừa Thiên Huế, tỷ lệ đậu của học sinh nhà trường rất cao, lên đến 93%.
Cũng đã có những tín hiệu tích cực trong toàn huyện khi trong những năm qua, tỷ lệ học sinh dân tộc ít người bỏ học chỉ còn dưới 1% ở bậc tiểu học, 3% ở các bậc THCS và THPT. Chất lượng học tập được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp tiểu học và THCS đạt 100%; THPT gần 90%. Trong 10 năm qua, toàn huyện có hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học. Khoảng cách giữa học sinh người Kinh và dân tộc ít người đang dần được rút ngắn.
Đổi mới để phát triển
2020 -2021 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và cũng là năm học đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, được xem là tiền đề và cơ hội thuận lợi và cũng là thách thức của ngành giáo dục Nam Đông, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung, quyết tâm chính trị cao để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đối với giáo dục phổ thông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lại Quốc Trình khẳng định, quyết tâm đổi mới để phát triển. Toàn ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm học 2019 - 2020 trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 tiếp tục hoành hành và phức tạp; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và chất lượng học sinh dân tộc thiểu số.
Bài, ảnh: Đan Duy