ClockThứ Năm, 17/10/2024 06:04

Hỗ trợ nền kinh tế phải song hành với mục tiêu an toàn hệ thống

TTH - Trong bối cảnh các ngân hàng đang triển khai rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp thì vẫn có không ít doanh nghiệp (DN) đánh giá lãi suất vay vốn còn cao, gặp khó khăn liên quan tới tình trạng cạn kiệt dòng tiền.

Khẳng định vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đạiChú trọng đến EPR

 70% dư nợ được đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp thiếu nguồn lực trả nợ

Trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện khá rõ khi tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm đạt 7,5-8%, cao hơn so với mức tăng trưởng của cả năm 2023.

Đánh giá từ Cục Thống kê tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực. Đơn hàng từng bước phục hồi, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ít biến động và lãi suất ngân hàng hạ nhiệt là những yếu tố thuận lợi để DN chủ động thực hiện tốt kế hoạch SXKD. Kết quả khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy, 83,61% DN đánh giá hoạt động SXKD quý III/2024 khả quan và giữ ổn định so với quý II/2024; 16,39% DN đánh giá là khó khăn hơn. Những tháng cuối năm 2024, 77,05% DN nhận định hoạt động SXKD sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024, chỉ có 22,95% số DN dự báo sẽ khó khăn.

Cũng theo khảo sát này, các khó khăn của DN chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của thị trường trong nước thấp, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN. Ngoài ra, các nguyên nhân xuất phát từ tính cạnh tranh của thị trường trong nước chưa cao, thiết bị lạc lậu… cũng tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng đang triển khai rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp thì vẫn có không ít DN đánh giá lãi suất vay vốn còn cao, gặp khó khăn liên quan tới tình trạng cạn kiệt dòng tiền.

Tại hội nghị tiếp xúc DN gần đây, một số DN cho rằng, nguồn vốn giá rẻ vẫn khó tiếp cận. DN đang thiếu nguồn lực để trả các khoản nợ, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh trong thời gian cao điểm cuối năm. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc của vấn đề bổ sung dòng tiền, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ hỗ trợ DN trong năm 2024, nhưng có thể gây áp lực trả nợ kép cho DN tại kỳ tiếp theo của năm 2025. Thậm chí, DN còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chính sách ân hạn cho các khoản nợ, lãi tới hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho DN.

70% dư nợ được đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo góc nhìn từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN. Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã hỗ trợ rất lớn cho DN, giúp DN điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ phù hợp với khả năng tài chính cũng như có dòng tiền để tiếp tục duy trì hoạt động SXKD.

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho hay, đến thời điểm hiện tại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 475 lượt khách hàng, với tổng giá trị nợ gốc và lãi lũy kế được cơ cấu là gần 642,3 tỷ đồng. Tổng số dư nợ gốc và lãi của khách hàng được cơ cấu là 749,6 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn quyết định kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024, qua đó, đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, giúp khách hàng có thêm thời gian để ổn định phát triển sản SXKD và thực hiện trả nợ.

Theo ông Lê Việt Sỹ, việc kéo dài thời hạn trả nợ, cơ cấu lại các khoản nợ có liên quan đến nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại do nguồn vốn cho vay được lấy từ nguồn tiền gửi của người dân. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khi ban hành chính sách cũng phải đảm bảo không để ảnh hưởng đến an toàn tài chính của hệ thống ngân hàng, cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ, hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy vốn tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, với dư nợ phục vụ hoạt động SXKD chiếm tỷ trọng trên 70% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Ông Lê Việt Sỹ khẳng định, từ năm 2020 đến nay, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp về tín dụng và lãi suất góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng, từ tổ chức đến cá nhân. Hiện nay, tình kinh tế - xã hội trên địa bàn đã có những diễn biến tích cực cho thấy dấu hiệu hồi phục. Các động lực tăng trưởng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, du lịch phục hồi khả quan. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục theo dõi để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình kinh tế, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ DN, người dân vay vốn mở rộng SXKD...

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 130 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ:
Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế được tổ chức trang trọng ngày 12/12. Tham dự có các UVTW Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các tỉnh thành, khách quốc tế…

Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Return to top