ClockThứ Tư, 11/03/2020 14:30

Gỡ khó cho trường đạt chuẩn quốc gia

TTH - Con số 105 trường trong 4 năm qua cho thấy chuyển biến tích cực và đến đầu năm 2020, Thừa Thiên Huế đã có 63,37% trường đạt chuẩn quốc gia.

Huy động nhiều nguồn lực để xây dựng trường chuẩn quốc giaThiếu quỹ đất, nhiều trường học khó đạt chuẩn Quốc gia

 Học sinh Trường tiểu học Phú Thượng đọc sách tại thư viện. Ảnh: đơn vị cung cấp

Bỏ qua mức độ 1

Năm 2014, Trường tiểu học Phú Thượng 1 (huyện Phú Vang) được đưa vào diện đầu tư xây dựng trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Thật đáng quan ngại khi chất lượng đại trà chỉ ở mức trung bình, thành tích đỉnh cao không có gì nổi bật.

Trường tổ chức dạy ngoại ngữ từ lớp 1 đến lớp 5, ứng dụng mô hình VNEN, xây dựng tiết dạy “Lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm”, dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” các môn tự nhiên, xã hội, khoa học; dạy học mỹ thuật đa phương tiện, triển khai dạy môn tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục… để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Trường cũng được ngân sách địa phương đầu tư phòng học, nhà đa năng hàng tỷ đồng và phụ huynh vận động đóng góp để đầu tư trang thiết bị dạy và học. Thông qua dự án của Phòng Tiểu học (Sở GD & ĐT), hàng trăm triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ đã nhanh chóng giúp trường hoàn chỉnh cơ sở vật chất mới để đưa vào sử dụng. Học sinh tới trường, không chỉ được học tập trong môi trường tiện nghi, mà còn được vui chơi trong không gian sân vườn xanh - sạch - đẹp.

Chỉ trong thời gian ngắn, hoàn chỉnh cả 5 điều kiện trường chuẩn quốc gia và cuối năm 2016, Trường tiểu học Phú Thượng 1 (Phú Vang) đã “bỏ qua” yêu cầu của trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 để chính thức đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Bậc học tiểu học dẫn đầu

Bậc học tiểu học có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất trong các bậc học ở Thừa Thiên Huế. Toàn tỉnh có 170/200 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85 %; trong đó, có 17 trường đạt mức độ 2. Ngành học mầm non đạt tỷ lệ 45%. Cấp học trung học cơ sở (THCS) đạt tỷ lệ 62,87%. Cấp học trung học phổ thông (THPT) đạt 48,65%.

Các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà có tỷ lệ trường đạt chuẩn đầu kỳ rất thấp nhưng nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ưu tiên đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, quỹ đất nên đã đẩy nhanh được tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ông Lê Đức Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết: Từ năm 2016 đến 2020, toàn huyện huy động tất cả nguồn lực đầu tư 333 tỷ đồng xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường học trên địa bàn đã được tầng hóa. Năm 2015, toàn huyện chỉ có 18 trường đạt chuẩn thì nay đã có 55/77 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục đại trà của học sinh khá vững chắc, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục nâng cao, chất lượng học sinh giỏi các cấp được nâng lên rõ rệt. Qua các năm, trẻ mầm non dưới 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt 99,54%; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; 99% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS; 90% học sinh tốt nghiệp THPT.

Phấn đấu đạt mức 88,89%

Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc, cho biết: 100% trường học ở Phú Lộc đã được tầng hóa, vẫn còn thiếu phòng chức năng, trang cấp máy tính thiếu trầm trọng, nhiều trường yêu cầu không dạy máy vi tính vì không có máy để thực hành. Tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên mầm non cũng khó khăn khi yêu cầu phải có bằng đại học. Mong muốn của Phú Lộc là được phân bổ kinh phí để tăng tỷ lệ xây dựng trường chuẩn quốc gia khi trong vòng 4 năm xã hội hóa chỉ được 8 tỷ  đồng.

Còn từ thực tế ở Phú Vang, ông Lê Đức Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện băn khoăn: Trong 4 năm, huy động gần 10 tỷ đồng cho công tác giáo dục. Khó khăn là nguồn đầu tư vẫn chủ yếu là ngân sách Nhà nước, công tác xã hội hóa còn nhiều hạn chế, khó vận động. Nhiều trường có diện tích hẹp nên khó mở rộng, không đảm bảo tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia. Các phòng chức năng ở một số trường, như sân chơi, bãi tập… vẫn còn thiếu thốn.

Kinh tế - xã hội khó khăn nên đầu tư cho các chương trình, đặc biệt nguồn kiên cố hóa trường học, lớp học bị cắt giảm. Ngân sách Nhà nước hạn chế và thu nhập dân cư thấp nên khó khăn trong huy động nguồn lực. Trong khi đó, nhiều trường học được xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp; không đủ quỹ đất, không đủ các phòng chức năng theo yêu cầu trường chuẩn quốc gia. Hệ thống trường điểm của một số trường tiểu học và mầm non có nhiều điểm phân tán, nhỏ lẻ, làm cho việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia khó khăn.

Đến năm 2024 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 88,89% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 7,64% đạt từ cấp độ 2 trở lên. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng thiết nghĩ, sẽ không là bài toán quá khó, nếu ngành giáo dục và đào tạo vào cuộc với quyết tâm và cách làm của Trường tiểu học Phú Thượng 1.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Return to top