Nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ - Ảnh Đắc Thành
Linh hoạt, phong phú các góc mở
Giờ hoạt động chơi, Trường mầm non Phú Đa, góc nào cũng rộn ràng những gương mặt vui tươi, tiếng trò chuyện vui vẻ của trẻ. Ở “góc thiên nhiên” ngay nơi hành lang, một nhóm đang say sưa chăm sóc cây. Cháu tưới nước. Cháu chăm chú nhìn từng chiếc lá xem có con sâu nào không. Một bé gái tỏ ra ngạc nhiên thích thú với bạn ngồi cạnh: “Ơ, cây của bạn cao hơn cây của bạn ni rồi nì”. Ở “góc thực hành kỹ năng sống”, các bé tụm lại với nhau thành từng nhóm, chơi trò may, đan áo, tết bím tóc. Ở “góc vui chơi với cát nước sỏi”, nhiều trẻ “hết mình” với trò chơi câu cá, xúc cát… hoặc thỏa sức sáng tạo xây tháp, nhà, xếp ô ăn quan, xếp số, hình tròn, hoa… Sôi nổi nhất có lẽ là ở “góc vận động”. Các cháu chơi bóng, nhảy bật… giúp nâng chiều cao, thể trạng…
Tại Trường mầm non Phú Xuân, các cháu tỏ vẻ rất hào hứng với “góc chợ quê”. Một cô bé vừa nặn những chiếc bánh bột lọc, vừa cười hồn nhiên: “Cháu thích đi chợ về làm bánh bán, cũng giống như mẹ của cháu". Một số bé trai lại thích làm đầu bếp ở góc “đầu bếp tí hon”, với ước muốn sau này trở thành chú đầu bếp giỏi như trên ti vi. Trẻ ở Trường mầm non Phú Hải không những không ngại ngần khi thấy “khách”, mà sau “màn” chào hỏi, có cháu mạnh dạn hồn nhiên kéo khách đến những góc trưng bày các sản phẩm của quê hương như ngư lưới cụ, mực, cá, tôm đánh bắt được từ biển…, để “khoe” như một hướng dẫn viên đáng yêu nhất. Có cháu đang chăm chú gieo mạ trồng lúa cũng cười “khoe” răng sún, nói “tra rụi”: “Ba cháu đi biển. Mẹ ra chợ bán cá. Cháu thích thử trồng lúa, trồng rau”. Nhiều cháu tập trung tại “góc thư viện của bé”, “bé xem sách”, nơi có những cuốn truyện tranh với hình ảnh hấp dẫn như “cây tre trăm đốt”, “con chó biết nói”, “miếng trầu kỳ diệu”, “người ông tuyệt vời”…
Qua tranh, các cháu nắm được câu chuyện, hình dung được các nhân vật tốt, xấu. Từ đó, trẻ có thể thoải mái tô màu bằng tưởng tượng của mình. Hoạt động này kích thích trí tưởng tượng, sự liên tưởng phong phú, linh hoạt của trẻ. Nhà trường bố trí các góc mở mang tính liên kết để “gợi” cho trẻ hình dung và thực hành có logic ngay trong hoạt động. Như ở Trường mầm non Phú Hải, góc để ngư lưới cụ, góc chợ quê, siêu thị của bé, góc đầu bếp tí hon “mở” liền kề nhau. Bé “đi biển” về có thể mang cá ra chợ bán. Bé muốn nấu ăn có thể ra chợ hoặc siêu thị mua thực phẩm, dụng cụ làm bếp… Học mà chơi. Chơi mà học.
Giờ hoạt động ngoài trời ở Trường mầm non Phú Đa
Nâng cao kỹ năng, tự tin, chủ động, sáng tạo của trẻ
Theo ông Hoàng Văn Vy, Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang, trước đây, trẻ mầm non đến trường với quan điểm, ý nghĩa để biết hát, biết múa, biết lễ phép, được các cô giáo “giữ” để cha mẹ yên tâm mưu sinh. Các bậc phụ huynh, và giáo viên “sợ” các cháu còn quá nhỏ, chưa làm được việc gì nên hầu hết mọi việc đều do cô làm giúp. Từ đầu năm 2017, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, do Bộ, Sở GD&ĐT triển khai, Phòng GD&ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ.
Môi trường giáo dục trong các trường mầm non mang tính “mở”, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng. Trong quá trình này, các cháu tự làm, tự trải nghiệm, tự sáng tạo. Các cô chỉ quản lý, định hướng gợi mở để mỗi trẻ phát huy sở thích, sở trường từ những điều gần gũi, thân thuộc nhất. Nhờ vậy, giáo dục mầm non huyện Phú Vang đã có những thay đổi, bước tiến quan trọng về chất.
Trẻ thực hiện tốt những kỹ năng tự phục vụ, như biết tự gấp áo quần, buộc dây dày, kéo dây kéo, tự lấy tự cất đồ dùng. Các cháu tự tin và sáng tạo lúc trải nghiệm thông qua các trò chơi xếp hình, vẽ, làm bánh, nấu ăn, chăm sóc cây… Đặc biệt, trẻ tự tin, chủ động, nâng cao kỹ năng giao tiếp, hợp tác với bạn bè, hoạt động nhóm. Hài lòng vì những thay đổi tích cực của con, cha mẹ các cháu ủng hộ, chung sức với nhà trường trong việc xấy dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Phụ huynh rất nhiệt tình, tích cực góp tiền, góp công làm các góc chơi, hoạt động cho các cháu.
Hiện, 25 trường mầm non trên địa bàn huyện Phú Vang (trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1), không có “ngóc ngách” nào bị bỏ trống. Tất cả đều được tận dụng triệt để phục vụ hoạt động mở, mở ra các không gian trải nghiệm đa dạng cho các cháu. Để đạt được những bước thay đổi nêu trên, các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đã được tham gia hội thảo, tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức.
“Vừa qua chúng tôi đã tổ chức hội thi xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cấp trường, cụm, cấp huyện, để chuẩn bị tham dự hội thi cấp tỉnh vào tháng 2/2018, từ đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáp dục mầm non - theo kế hoạch của Sở GD&ĐT”. Ông Hoàng Văn Vy nói.
Quỳnh Anh - An Di