Giáo viên tiểu học là những người tiên phong trong việc thực hiện đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: L.L
Không ngồi yên một chỗ
Cô giáo Đặng Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Phong Điền) hóm hỉnh khi khắc họa chân dung một giáo viên lớp một thời “chương trình phổ thông 2018” ở trường học do cô phụ trách như sau: Chân không mang dép, không ngồi yên một chỗ và miệng nói liên tục. Buổi sáng 7g kém 15 đã có mặt, chiều 16h mới được rời khỏi trường. Giáo viên chủ nhiệm còn phải ở lại bán trú để phối hợp chăm sóc học trò.
Không ngồi yên một chỗ và miệng nói liên tục là bởi lớp học và học trò thời “chương trình phổ thông 2018” đã khác xưa nhiều. Xưa, học trò lớp một suốt buổi lên lớp có thể chỉ ngồi yên một chỗ đánh vần ê… a theo nhịp thước của cô giáo. Còn nay, các em được khuyến khích tương tác và tự tin trao đổi. Cũng dễ thôi, làm sao các thầy cô giáo có thể im lặng khi các em được phép hỏi, được phép trao đổi những vấn đề liên quan đến giờ học mà trong lớp thì lại có không ít em tự tin thái quá khiến cô giáo lắm lúc phải... toát mồ hôi.
Học sinh TP. Huế tham gia hoạt động chia sẻ sách
Còn cô giáo có thêm đặc điểm đáng nhớ với “chân không mang dép” mà Hiệu phó Đặng Thị Thu Hà nhắc là cô giáo Lê Thị Bích Lý. Cho đến thời điểm này, cô giáo Bích Lý, tổ trưởng tổ lớp một Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Phong Điền) đã có 22 năm đứng lớp. Vậy nhưng đối với cô giáo Lý, 3 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để lại trong cô nhiều ấn tượng nhất. Hỏi vì sao, cô bảo công việc chủ nhiệm vẫn bình thường. Chương trình thay sách giáo khoa lúc đầu gặp khó khăn, nhưng cũng dễ dàng vượt qua. Phương pháp dạy không khó, nhưng đòi hỏi giáo viên phải năng động.
Chương trình GDPT 2018 hướng đến việc phát huy năng lực của học sinh. Đó là lý do buộc những giáo viên tiểu học như cô giáo Bích Lý phải linh hoạt. Họ có nhiều công việc phải làm, từ soạn bài, sinh hoạt chuyên môn đến nghiên cứu bài học. Lớp học không chỉ nằm trong những phòng học được ngăn bởi những bức tường, mà có khi là một góc sân trường để cô trò cùng trải nghiệm. Rồi việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Năm đầu triển khai chương trình GDPT mới, do dịch bệnh COVID-19 nên phải dạy trực tuyến.
Khi học trò là tờ giấy trắng
Một buổi sáng, tôi đang làm việc với hiệu trưởng của một trường tiểu học trong thành phố, có một phụ huynh xin vào làm việc. Bà nói rất nhiều, bày tỏ không đồng tình về cách nhận xét của cô giáo về con mình trước lớp. Hiệu trưởng lắng nghe và khuyên nhủ phụ huynh nên nói chuyện trực tiếp với cô giáo. Cô bảo với tôi, ngày nào cũng có phụ huynh đến phản ánh thái độ, hành vi của cô giáo, nhưng tôi không vội vàng. Tôi muốn các cô tự giải quyết với phụ huynh để tìm tiếng nói đồng thuận.
Theo cô giáo Vũ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành, trước những bức xúc của phụ huynh, nếu cán bộ quản lý giỏi, có kinh nghiệm thì sẽ mời phụ huynh vào phòng làm việc, lắng nghe, trao đổi lớp lang, thậm chí là nhận lỗi về mình nếu như giáo viên sai. Phải thẳng thắn thừa nhận là không có giáo viên “dổm” hay giỏi, vì giáo viên nào cũng được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ kiến thức, công nghệ, phương pháp giảng dạy… Cán bộ quản lý, vì vậy, cần có những cuộc trao đổi kỹ năng xử lý trong những tình huống bức bách cho giáo viên.
Cô giáo Khanh cũng chia sẻ rất thật lòng: “Tôi hạn chế huy động giáo viên đến trường vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật vì họ cần thời gian dành cho gia đình, tái tạo sức lao động. Ở bậc tiểu học, một số trường đã không còn dự giờ theo kiểu hình thức, chỉ yêu cầu giáo viên có sao giảng vậy, để tổ chuyên môn góp ý điều chỉnh. Còn soạn giáo án thì cả tổ chuyên môn cùng soạn để không gây áp lực cho giáo viên nào”. Khi tôi đem tâm sự của cô giáo Khanh trao đổi, cô giáo T.V. A trải lòng, chỉ mong có sự công bằng, sáng tạo trong quản lý để giáo viên nể phục, hài lòng và do đó sẽ ủng hộ. Điều này là cốt lõi để giáo viên cảm thấy “hạnh phúc”, giúp họ có động lực làm việc.
Tôi hình dung, mới vào lớp một, các học sinh như tờ giấy trắng. Các thầy cô giáo phải hướng dẫn các em từ nhận biết mặt chữ cái, cách đánh vần, phát âm… cho đến phát triển kỹ năng học tập và kỹ năng sống. Từ thực tế giảng dạy, một cô giáo lớp một là bạn thân của tôi cho hay, khi dạy học sinh nhận diện về một số hình khối (hình vuông, chữ nhật…) chẳng hạn, ngoài kiến thức, hình minh hoạ trong sách giáo khoa, cô thường mang đến lớp những vật dụng có hình khối như trên để các em quan sát trực quan, và biết vận dụng kiến thức vào thực tế và “chốt” lại: Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh và hơn hết là một tấm lòng yêu thương con trẻ.
Bài, ảnh: Huế Thu