ClockChủ Nhật, 21/11/2021 06:06

Học không bao giờ muộn

TTH - Nơi vùng cao Nam Đông hôm nay vẫn còn đó ở các thôn, bản những lớp học xóa mù. Với nhiều người dân Cơ Tu, ngay cả những người đã lên tới chức bà, chuyện học không bao giờ muộn.

100% các địa phương duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2Khi giáo dục nghề nghiệp hợp cùng giáo dục thường xuyênGắn kết xóa mù chữ với phổ cập giáo dục

Các lớp học xóa mù chữ của đồng bào dân tộc ở Nam Đông

Biết chữ để khỏi… lăn tay

Cuối cùng thì bà Hồ Thị Đuôi ở thôn 2, xã Thượng Nhật (Nam Đông) cũng có được tấm bằng phổ cập - xóa mù chữ. Bà Đuôi nổi tiếng chăm học và chăm làm. Hằng ngày đều đặn từ tờ mờ sáng bà Đuôi đã phải lên rẫy, làm việc quần quật suốt ngày, chiều tối về, cơm nước xong là băng khe, vượt đồi đến ngay với lớp học. Bận rộn và nhiều lắm những khó khăn thế kia nhưng ít người biết rằng, ròng rã qua 5 qua, bà Đuôi không hề vắng một buổi học nào, bất kể trời mưa hay nắng (!).

Chuyện đi học của bà Đuôi khiến chúng tôi nhớ tới những lớp học bình dân học vụ sau ngày giải phóng được mở ra khắp nơi từ vùng  xuôi đến miền ngược. Điều khác biệt là, thời ấy chỉ là những lớp học cấp tốc kéo dài dăm ba tháng để ai đó mù chữ đọc được con chữ hay làm được phép tính là xong. Còn bây giờ, lớp xóa mù - phổ cập mà bà Đuôi theo học kéo dài tới 5 năm với chương trình học được thiết kế chặt chẽ gồm 2 mức. Sau khi đọc thông, viết thạo và làm được những phép tính cơ bản xóa mù chữ trong vòng 3 năm, họ phải tiếp tục thêm 2 năm nữa để hoàn thành mức 2, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Miệt mài bên con chữ

Giấy chứng nhận xóa mù chữ - phổ cập giáo dục mà bà Đuôi có được tương đương với tấm bằng pơ - ri - me (tiểu học). Xưa dưới thời thuộc Pháp, số người có được bằng pơ - ri - me (tiểu học) kia chỉ đếm được đầu ngón tay ở một xã vùng đồng bằng. Người sở hữu đã có thể dùng để kiếm một việc làm. Còn mới đây làm một phỏng vấn nhỏ ở Nam Đông, tôi nhận được những câu trả lời rất đời thường. Nào là học cho biết chữ để khỏi lăn tay trên xã, viết được tên cha mẹ đặt, hát được karaoke, dùng được điện thoại thông minh… Bên cạnh học để có kiến thức là ý thức cho được bằng chị, bằng em, không muốn bị tụt lại phía sau, còn có lý do biết chữ là để không bị… coi thường.

Hành trình gian nan

Dịch COVID-19 hoành hành không ngăn được những lớp xóa mù ở Nam Đông sáng đèn. Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nam Đông khoe ngay, năm học 2020 - 2021 là năm học có nhiều thành công của trung tâm khi có 40 học viên hoàn thành chương trình mức độ I và 12 học viên hoàn thành chương trình mức độ II. Trung tâm đang mở và duy trì 7 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 71 học viên.

Chúng tôi đã có dịp ghé thăm một số lớp học xóa mù ở Thượng Nhật và Hương Hữu (Nam Đông). Các lớp học chủ yếu đặt tại nhà rông (nhà văn hóa cộng đồng), khá thoáng mát, được trang bị đầy đủ các phương tiện học tập từ bàn ghế đến quạt mát, điện thắp sáng. Đều đặn, các lớp học bắt đầu từ 19 giờ 30 và kết thúc vào lúc 22 giờ đêm. Học viên chủ yếu là các o và các mệ. Hành trình đến lớp của họ nhiều gian nan khi mà có nhiều người ở cách xa lớp học hàng mấy cây số. Đến lớp, phải băng đồi vượt khe rất khổ sở trong đêm tối. Con nhỏ thì mang theo, con còn bé tý phải bồng, phải cõng để cùng đến lớp. Cũng không dễ dàng khi mà chuyện cơm áo gạo tiền xoay vần, rồi nhận thức chưa thông và cả những vấn đề tế nhị nữa, đi học… bị chồng ghen!

Theo mẹ đến lớp

Ngay trong các buổi học cũng lắm chuyện dở khóc, dở cười. Ví như đang học thì có tiếng trẻ nhỏ khóc thét. Hay có trường hợp học viên bất ngờ cãi nhau ầm ĩ, không phải chuyện học mà chuyện làm ăn, quan hệ bên ngoài… bằng tiếng dân tộc, thầy trò đôi lúc ngẩn tò te. Trong xe của thầy Tô Chỉnh, có thâm niên đi dạy xóa mù 32 năm, luôn có đủ thứ, bút vở để lỡ học viên nào quên mang theo hoặc không có, cả thức ăn và bánh kẹo nữa để làm cái việc là thầy Chỉnh bảo vui… liên hoan để giảm stress, tạo không khí học tập. Phụ nữ dân tộc hay tự ái nên thầy giáo phải biết cách khen, cách dỗ, cách động viên. Có điều thầy Tô Chỉnh ngạc nhiên, không hiểu sao các lớp xóa mù lại quá ít đàn ông, thanh niên!

Lớp xóa mù vùng cao còn có nhiều khó khăn. Học viên hay quên mặt chữ. Nhiều người học trước quên sau. Họ có kinh nghiệm, vốn sống, tuy nhiên, tiếp thu chậm, không quen về tư duy khái quát nên chậm tiến bộ. “Học viên là người dân tộc thiểu số, nên giảng giải chậm. Nếu giáo viên không biết động viên, hiểu tâm lý và biết tiếng dân tộc sẽ rất khó khăn trong truyền thụ kiến thức. Nếu học viên thấy tiết học không hấp dẫn, họ sẽ nghỉ học giữa chừng, việc vận động càng khó khăn hơn ”. Thầy Chỉnh cho hay.

Chúng tôi gặp Hồ Xuân Pin. Năm 2021 này, vừa xong 2 lớp xóa mù ở thôn 5 và thôn 6, thầy giáo Pin lại tiếp tục với lớp xóa mù ở thôn 7, xã Hương Hữu. Không chỉ có chuyên môn vững và tận tâm với học trò, lợi thế là người dân tộc Cơ tu giúp thầy Pin có thể kết nối các thầy cô giáo vùng xuôi với cán bộ, học viên vùng cao, hiểu rõ và dễ tiếp xúc với học viên. Thầy Pin chia sẻ, họ ham học nhưng hay e ngại, còn thụ động, rất cần sự động viên. Còn trong trường hợp học viên không hiểu nghĩa, tôi dùng tiếng Cơ Tu để giải thích. Ví dụ, từ “song song” rất khó giải thích bằng tiếng Việt, nhưng dịch qua tiếng Cơ Tu là họ hiểu ngay.

Tự tin khi biết chữ

Mới đây vào đầu tháng 10/2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nam Đông tổ chức lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 kết hợp vừa bế giảng lớp 5 (mức 2) và khai giảng lớp 1 (mức 1). Nhìn các o, các bà xúng xính trong bộ đồ váy áo dân tộc Cơ Tu bước lên nhận giấy chứng  nhận cho học viên hoàn thành chương trình học mức 2 mà tôi cảm thấy như được vui cùng. Khó có thể diễn tả khi ở cái tuổi trên 60, bà Vương Thị Tóc (thôn 5, xã Hương Hữu) có tấm bằng pơ - ri - me sau 5 năm kiên trì đến lớp, để có thể đọc được tin nhắn, viết được lá thư và tính toán công việc làm ăn.

Có được cái chữ, mấy o, mấy bà tự tin hẳn.  Chúng tôi nghe chuyện (xin được giấu tên) có vợ một lãnh đạo huyện trước đây mù chữ nên cả chồng vợ đều ngại tiếp xúc. Nay cô vợ học xong lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, đọc thông, viết thạo, thành thục các phép tính nên tự tin lắm, thay đổi hẳn, bao ngại ngùng như để lại hết ở phía sau. Bà Vương Thị Mơ Lốc (thôn 5), rất vui là khi lần đầu tiên gửi được tin nhắn từ điện thoại cho người thân, đã ngay lập tức báo tin cho thầy Hồ Văn Pin. Gặp chúng tôi, thầy Tô Chỉnh hào hứng cho biết, sau khi tốt nghiệp, bà Hồ Thị Tố (60 tuổi) ở thôn 2, xã Thượng Nhật tham gia Ban chấp hành Chi hội Thanh niên xung phong. Còn bà Hồ Thị Dim (52 tuổi) tham gia công tác phụ nữ ở thôn, mở quán cà phê và tổ chức nhiều dịch vụ kinh doanh buôn bán.

Mấy hôm rồi, mưa tầm tã. Ở Huế, chúng tôi bỗng thấy nhớ mấy o, mấy bà ở các lớp xóa mù nơi vùng cao Nam Đông, A Lưới mà mình có dịp được gặp. Mưa gió thế này, chuyện học hành ban đêm chắc nhọc nhằn bội phần. Điện thoại hỏi thầy Phúc, nghe ông bảo đã lo kỹ, yên tâm lắm… mà mừng. Ông Phúc cũng cho biết, không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất và cung cấp kịp thời tài liệu học tập, đưa công nghệ thông tin đến các lớp học, trung tâm còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ áo mưa, kính, đèn pin, giày dép… để học viên tự tin đến lớp.

Đêm nay, nằm nghe tiếng mưa rơi lộp bộp nơi hiên nhà, bỗng nhớ tới buổi tối cách nay đã hơn một năm rồi. Lần ấy, chia tay lớp học xóa mù chữ ở rẻo cao Nam Đông khi đêm đã về khuya, chúng tôi vẫn cứ như nghe văng vẳng tiếng học bài bên tai. Giọng họ cứ sang sảng đánh vần vừa vui, vừa thương đến lạ. Lại nhớ tới chặng đường về nhà, tỏa ra qua nhiều hướng của họ khi đêm đã chuẩn bị về khuya lấp ló ánh đèn, xa ngái. Mới hay, chuyện học của đồng bào dân tộc Cơ Tu không bao giờ là muộn.

Bài, ảnh: HUẾ THU - MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top