ClockThứ Sáu, 18/06/2021 15:30

Gắn kết xóa mù chữ với phổ cập giáo dục

TTH - Dù đã đạt được những thành quả nổi bật nhưng vẫn còn đó hàng ngàn người ở Thừa Thiên Huế mù chữ. Hơn bao giờ hết, xóa mù chữ (XMC) đang cần một giải pháp căn cơ và bền vững.

Những học sinh “đặc biệt”Khuyến học nuôi giữ ước mơ đến trườngXóa mù chữ, hành trình gian nan

Lớp xóa mù chữ cho trẻ vạn đò ở TP Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Còn đó, hành trình xóa mù

Có dịp về Phú An (Phú Vang), chúng tôi được nghe kể về lớp xóa mù của ông Trần Đình Hòa. Hơn 30 năm trước, người dân ở Đầm Sam thuộc xã Phú An sống lênh đênh trên thuyền, nay đây mai đó nên chẳng mấy ai biết chữ. Chàng trai Trần Đình Hòa là bộ đội phục viên (có trình độ lớp 10 phổ thông) rất cảm thông, đã quyết định mở lớp học dạy chữ miễn phí ngay trong nhà mình.

Lớp đầu tiên của “thầy Hòa” được khai giảng vào đầu năm 1990. Ban đầu chủ yếu là các em nhỏ. Khoảng 10 năm nay, kinh tế bắt đầu khá giả, các bậc phụ huynh vùng này đã chú trọng hơn vào việc đầu tư cho con em đến trường. Tuy nhiên, lớp xóa mù chữ cho 16 học viên lớn tuổi vẫn được duy trì. Hầu hết học trò là những người đã ngoài 40 tuổi, làm đủ nghề từ thả lưới, làm ruộng, buôn bán.

Gần đây, chúng tôi có dịp ghé thăm một số lớp xóa mù cho người lớn tuổi. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại nhớ tới thời điểm sau ngày giải phóng. Bấy giờ rộn ràng ở các xóm làng là các lớp xóa mù ban đêm, được gọi bằng cái tên “bình dân học vụ” và đó cũng là hình ảnh tiêu biểu mang ý nghĩa đổi đời mà cách mạng mang tới sau ngày giải phóng ở một vùng đất như Thừa Thiên Huế. Một hành trình kéo dài gần nửa thế kỷ và vẫn đang còn tiếp tục với nhiều tín hiệu tích cực.

Đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2

Thực hiện Quyết định số 692/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch XMC đến năm 2020. Ngoài chú ý làm tốt công tác tuyên truyền, huy động, tổ chức và quản lý lớp học gắn với đảm bảo điều kiện tài chính, đội ngũ và cơ sở vật chất là việc đấy mạnh xã hội hóa công tác XMC.

Vùng sâu, vùng xa, vùng có địa bàn bị chia cắt, tái định cư hay vùng đồng bào dân tộc ít người được xem là những nơi có tỷ lệ người mù chữ cao. Ở đó, công tác XMC rất cần được đẩy mạnh xã hội hóa. Những năm qua trên địa bàn đã xuất hiện nhiều lớp học XMC do các giáo viên, cán bộ hưu trí và cả những người tâm huyết với con chữ như trường hợp của “thầy Hòa” ở Phú An tổ chức. Bên cạnh đó là các lớp XMC của tổ chức Đoàn các cấp và cả của lực lượng biên phòng ở khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành đặc biệt quan tâm là việc củng cố bền vững kết quả XMC, hạn chế tình trạng mù chữ trở lại. Để làm tốt vấn đề này, tài liệu chuyên đề theo chương trình giáo dục được chú ý tổ chức biên soạn đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ; tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế mù chữ trở lại. Nghĩa là, học phải đi đôi với hành.

Theo báo cáo về kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ năm 2020 của UBND tỉnh, hiện còn 76 lớp huy động xóa mù chữ với 728 học viên. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đã có 145/154 xã, phường thị trấn; 9/9 huyện, thị xã và thành phố Huế đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong tổng số 200.283 người dân trong độ tuổi từ 15 đến 25, hiện chỉ còn 0,73% mù chữ. Tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 2,17%  và trong độ tuổi từ 15 đến 60 là 6,61%.

Giải pháp căn cơ

Kế hoạch thực hiện công tác PCGD, XMC năm 2021 của UBND tỉnh nêu rõ mục tiêu phấn đấu duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2; đề ra chỉ tiêu phấn đấu huy động 800 học viên tham gia các lớp học XMC. Cùng với việc huy động người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 ra các lớp XMC, bảo đảm huy động đủ số người tham gia dạy học tại địa bàn có trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định, là việc lồng ghép công tác này với việc xây dựng xã hội học tập; phát huy vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng trong việc tổ chức các hoạt động, trong đó có công tác XMC.

Tạo điều kiện cho con trẻ cắp sách tới trường được xem là giải pháp mang tính căn cơ để giảm dần và đi tới chấm dứt trình trạng mù chữ ở người lớn. XMC do thế gắn liền với công tác phổ cập giáo dục. Đặc biệt, để công tác XMC nói riêng và PCGD - XMC đạt hiệu quả thiết thực và mang tính bền vững, theo ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần có nghị quyết chuyên đề về PCGD – XMC; đồng thời, gắn việc đánh giá thi đua thực hiện nhiệm vụ này với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị văn hóa và xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Xóa nghèo ở An Hòa: Hỗ trợ kịp thời, đúng người đúng việc

Phường An Hòa (TP. Huế) có địa bàn rộng, dân cư đông với hơn 3.400 hộ, trong đó đa số người dân sống dựa vào nông nghiệp, làm nghề thời vụ nên đời sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo. Song, nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nên năm 2024, phường đã “xóa” 6 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn phường đến cuối tháng 10/2024 còn 15 hộ.

Xóa nghèo ở An Hòa Hỗ trợ kịp thời, đúng người đúng việc
Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

TIN MỚI

Return to top