Chương trình do Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và báo Tuổi Trẻ tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh (57 Lâm Hoằng, TP. Huế).
Hơn 3.000 học sinh lớp 12 đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia, đem theo những câu hỏi, băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi. Phần nhiều các học sinh đặt vấn đề với các chuyên gia về câu chuyện đầu ra, việc làm sau khi tốt nghiệp ngành học mà các em quan tâm.
Cô học sinh Nhật Anh (Trường THPT Hai Bà Trưng) nói rằng, đang quan sát các ngành học “hot” hiện nay và biết được ngành khoa học dữ liệu là ngành của thế kỷ 21. Tuy nhiên, Nhật Anh cho biết vẫn chưa biết cơ hội việc làm của ngành này ở Việt Nam cụ thể ra sao.
Giải đáp thắc mắc này, TS. Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, hiện nay nhiều trường trên cả nước rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến các ngành nghề khoa học dữ liệu.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ngành khoa học dữ liệu vào nhóm ngành toán - thống kê. Dù là ngành học tương đối mới ở Việt Nam nhưng nhu cầu việc làm về tương lai sẽ rất lớn khi các doanh nghiệp cũng như chính quyền cả nước đang hướng đến việc chuyển đổi kinh tế số.
Chia sẻ thêm, TS. Võ Thanh Hải (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) cho hay, trường có 5 năm trong lĩnh vực đào tạo ngành khoa học dữ liệu. Theo ông Hải, đây là một ngành học tương đối khó, đòi hỏi các bạn sinh viên phải có đam mê và nền tảng về toán học.
Một số học sinh khác thì cho biết, đã tìm hiểu rất nhiều ngành nghề, nhưng không biết sẽ chọn ngành nào. Các chuyên gia đã tư vấn cho các em về băn khoăn này.
Theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều học sinh khó xác định được ngành nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, các bạn không quá lo lắng mà cần phải bình tĩnh để định hình và đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Cụ thể, các em phải tìm hiểu thông tin các ngành mà mình quan tâm, đọc nhiều những thông tin và nếu được nên thử trải nghiệm công việc liên quan đến ngành nghề đó để có được cảm nhận rồi đưa đến chọn lựa sau cùng.
Nằm trong chương trình tư vấn, còn có hơn 20 gian hàng tư vấn chuyên sâu của các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ khắp cả nước. Tại đây, ngoài được giải đáp các vấn đề mà mình băn khoăn, các em còn được trải nghiệm các hoạt động do các trường tổ chức.
Tại chương trình, ThS. Hoàng Thúy Nga, Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) đã chia sẻ với học sinh, phụ huynh những thông tin mới nhất về mùa tuyển sinh đại học năm nay.
Theo bà Nga, từ năm 2023 các trường đều phải công bố đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh riêng của trường. Quy chế của trường phải cụ thể hóa quy chế tuyển sinh của bộ. Ngoài ra là các thông tin liên quan đến việc thí sinh phải đảm bảo các điều kiện của chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng, mức học phí, thời gian đào tạo và điều kiện sơ tuyển…
Các trường phải công bố các thông tin này trước 30 ngày khi thí sinh đăng ký xét tuyển và thời gian thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào tháng 7.
Riêng cách thức xét tuyển sẽ giữ ổn định như năm 2022. Thí sinh đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới…