|
Trao giải cho các dự án đạt giải |
Trong số 6 dự án của học sinh Thừa Thiên Huế tham gia cuộc thi, có 3 dự án đạt giải, gồm 1 giải Ba và 2 giải Tư. Cụ thể, dự án “Ứng dụng công nghệ Arcgis Storymap hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi giảm thiểu nhựa dùng một lần trong học sinh” của Nguyễn Thị Thanh Ninh, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Huế đạt giải Ba. Hai dự án : “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bo mạch tích hợp điều khiển Robot” của 2 học sinh Hồ Minh Phước và Nguyễn Quang Trí, Trường THPT chuyên Quốc Học; “Phần mềm phát hiện, nhận diện đối tượng và chỉ đường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho người khiếm thị” của 2 học sinh Phạm Ngọc Bảo Phú và Nguyễn Văn Minh Nhật, Trường THPT Thuận Hóa cùng đạt giải Tư.
Trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0, hệ thống thông tin địa lý GIS trong trường học, chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như đặc tính của thế hệ GenZ, đề tài “Ứng dụng công nghệ ArcGIS StoryMap hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần trong học sinh” góp phần đa dạng hóa giải pháp truyền thông nhằm lan tỏa đến cộng đồng trong việc chung tay giảm nhựa, hướng đến một thành phố Huế xanh - sạch - sáng.
Với dự án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bo mạch tích hợp điều khiển Robot” của 2 học sinh Hồ Minh Phước và Nguyễn Quang Trí, đề tài đã nghiên cứu kĩ các chức năng của các linh kiện điện tử để đưa ra đúng các phương án xây dựng các đường mass trên bo mạch đảm bảo sự chính xác trong khâu chế tạo. Ngoài ra, việc chế tạo trên bảng bo mạch đồng là khả thi khi đã được thử nghiệm trên nhiều bản thử khác nhau và hoạt động tốt. Về mặt kinh tế, chi phí đầu tư hợp lý hơn so với ghép thủ công, có khâu chế tạo tiết kiệm thời gian ngắn khi dựa trên mẫu đã nghiên cứu và thiết kế trên hệ thống sẵn.
|
Trưng bày dự án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bo mạch tích hợp điều khiển Robot” tại cuộc thi |
Đề tài “Phần mềm phát hiện, nhận diện đối tượng và chỉ đường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho người khiếm thị” của 2 học sinh Phạm Ngọc Bảo Phú và Nguyễn Văn Minh Nhật có tính ứng dụng cao, có thể được sử dụng rộng rãi trong thực tế. AI có thể giúp phát hiện và nhận diện các đối tượng trong môi trường xung quanh, cũng như chỉ đường nhanh chóng và chính xác để hỗ trợ người khiếm thị di chuyển và tìm kiếm thông tin. Phần mềm được viết trên phần mềm Android Studio kết hợp với giải thuật YOLO_V8 để phát hiện, nhận diện đối tượng và chỉ đường nhanh chóng, chính xác. Phần mềm sau khi hoàn thiện có thể được tải và sử dụng cho các điện thoại chạy hệ điều hành Android như Samsung (note10 plus, Galaxy S10 5G, Galaxy S20+, Galaxy S20 ulatra 5G, Galaxy A80…). Đây là đề tài có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khiếm thị.
Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có 149 dự án dự thi thuộc 21 lĩnh vực. Cuộc thi đã lựa chọn được những dự án, những học sinh xuất sắc để tôn vinh, trao giải thưởng. Đây là sân chơi bổ ích để thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đồng thời thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.