|
|
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Sở Giáo dục và Đào tạo |
Quan tâm đúng mức cho giáo dục
Theo báo cáo của ngành giáo dục và các đơn vị giáo dục được Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát, định hướng tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ xây dựng tỉnh thành trung tâm giáo dục - đào tạo (GDĐT) đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Vì vậy, tỉnh và các địa phương luôn dành sự quan tâm đúng mức cho ngành GD về cơ sở vật chất, biên chế... Đáng chú ý, ngành GD đã có sự chuẩn bị tốt trong việc triển khai chương trình mới, thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện, giúp việc triển khai chương trình GDPT mới đạt kết quả. Cùng với đó, công tác triển khai lựa chọn SGK được tiến hành nghiêm túc, công khai và minh bạch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Công tác xã hội hóa đã được các địa phương quan tâm chú trọng, đã có nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ về kinh phí phục vụ mua sắm SGK cho các em có hoàn cảnh khó khăn có thể đến trường.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn và được bổ sung thêm đáp ứng nhu cầu tăng lớp cũng như nâng cao tỷ lệ học 2 buổi/ngày. Đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về trình độ và phù hợp với chuyên ngành theo quy định. Tất cả giáo viên đều tham gia tập huấn sử dụng SGK đúng lớp, đúng bộ môn giảng dạy và bố trí công tác của nhà trường.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình GD mới một số nội dung vẫn còn lúng túng, bị động, nhất là việc chuẩn bị cho các môn học tích hợp, môn tự chọn. Có sự chồng chéo trong việc lựa chọn SGK giữa nhà trường và Sở GD&ĐT dẫn đến một số trường phải chọn lại sách khi bộ sách được trường chọn không trùng với sách của Hội đồng chọn sách của Sở GD&ĐT lựa chọn. Đội ngũ giáo viên tại một số trường còn thiếu, chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp, liên môn dẫn đến nhiều giáo viên phải dạy chung một môn học nên chưa phát huy được hiệu quả của môn học. Cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, phòng học chức năng tại một số trường còn thiếu; thiết bị dạy học một số trường chưa được trang bị kịp thời, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học…
Đảm bảo đời sống của giáo viên
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân chia sẻ, bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội là sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nêu cao tinh thần chủ động, triển khai đầy đủ, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả theo tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, nhà trường và học sinh. Khuyến khích các trường học, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD. Triển khai, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông tạo sự đồng thuận chung của toàn xã hội.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu, qua chuyến giám sát, đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội ở các địa phương, đơn vị. Đoàn kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành GDĐT và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT để xã hội, Nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng hành với ngành GD trong quá trình thực hiện chương trình, SGK mới. Đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên GDPT nhằm giúp giáo viên an tâm công tác, thực hiện thành công, hiệu quả, chất lượng chương trình, SGK mới. Có chính sách hỗ trợ hiệu quả, thu hút giáo viên giảng dạy tại các nơi xa trung tâm thành phố, các vùng sâu, vùng xa để góp phần đảm bảo đời sống của giáo viên.
Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị ngành GD tích cực đổi mới công tác quản lý, phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá và tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống; tăng cường cơ hội tiếp cận GD trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập GD; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao tỷ lệ và chất lượng hoạt động tổ chức dạy học 2 buổi/ngày kết hợp với tổ chức bán trú cho học sinh. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT.
Năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục của tỉnh thiếu 274 cán bộ, quản lý và giáo viên; trong đó, tiểu học thiếu 126, THCS thiếu 49 và THPT thiếu 99. Số cán bộ, giáo viên thiếu đã được Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện cân đối tuyển dụng để thực hiên tốt nhiệm vụ của ngành. |