ClockThứ Ba, 06/12/2022 06:45

Hướng nghiệp từ sớm

TTH - Chuyện hướng nghiệp cho học sinh không mới mà luôn “nóng”. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự định hướng, quan tâm sớm từ các bậc học và cả gia đình.

Hơn 1800 bạn trẻ tham gia Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm”Học sinh trung học cơ sở trải nghiệm ở đơn vị đào tạo đại học

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương trải nghiệm, tìm hiểu ngành nghề kỹ thuật và công nghệ ở đơn vị đào tạo đại học

Từ học sinh trung học cơ sở

Cùng gần 100 giáo viên, học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp dành cho học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học (ĐH) Huế chiều 26/11, mới thấy được mức độ quan tâm từ người học. Học sinh say sưa trải nghiệm trạm lắp ghép robot và lập trình microbit, trạm sản xuất linh hoạt mô phỏng quy trình công nghệ trong một nhà máy, mô hình IoT trong công nghiệp và các hoạt động sinh hoạt STEM… không chỉ bằng sự tò mò, mà còn bằng nhiều thắc mắc phù hợp với mục đích tìm hiểu nghề nghiệp.

Trần Đăng Đạt, học sinh lớp 9/4, Trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ: “Em học tốt môn toán và rất thích tìm tòi, khám phá những cái mới. Em hay lên mạng tìm hiểu về robot, mạch điện tử hay nhiều thứ khác về công nghệ. Hôm nay được thấy tận mắt và trải nghiệm điều khiển robot cũng như các hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện đại, chắn chắn sẽ làm cho em suy nghĩ nhiều hơn về những lựa chọn nghề yêu thích sau này”.

Đây là lần đầu tiên, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế tổ chức hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp dành cho học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Khá ngạc nhiên là các đơn vị đào tạo ĐH ít dành những cơ hội như vậy cho các học sinh lớp 8-9 mà chủ yếu hướng đến học sinh bậc THPT, nhất là học sinh lớp 12. Nhiều cán bộ làm công tác tuyển sinh ở các trường ĐH thừa nhận: “Mục đích kép cho các hoạt động ấy là vừa định hướng nghề nghiệp, nhưng cũng là dịp quảng bá tuyển sinh”.

Khoa Kỹ thuật và Công nghệ tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Trên thực tế, rất cần sự phối hợp giữa các đơn vị đào tạo ĐH và các trường phổ thông, bởi hơn ai hết, các trường ĐH có nhiều cơ sở để hiểu rõ ngành nghề, thông tin thị trường lao động. Tuy nhiên, việc phối hợp hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 11-12 có lẽ đã muộn, dẫn đến tình trạng thí sinh thiếu thông tin về ngành nghề, từ đó đưa ra những lựa chọn sai. ThS. Phan Thanh Tiến, phụ trách bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cũng cho rằng, học sinh được định hướng sớm sẽ thuận lợi cho việc học và cân nhắc trong lựa chọn ngành nghề.

Theo PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông, hướng nghiệp cho trẻ càng sớm càng tốt vì sẽ giúp hình thành ý thức về nghề nghiệp cho các con. Để thực hiện được điều đó, cả nhà trường, gia đình cần tích cực, chủ động sáng tạo những sân chơi, hoạt động định hướng giúp trẻ khai phá đúng tiềm năng, năng lực của mình…

Một số chuyên gia cho rằng, có những phụ huynh có thể hiểu sai về hướng nghiệp sớm là đặt nặng vấn đề nghề nghiệp cho học sinh từ sớm. Trong khi đó, hướng nghiệp là một chặng đường dài, bền bỉ và không chỉ có vai trò của trường, mà các bậc phụ huynh là những người đồng hành cùng con qua nhiều giai đoạn. Sự quan sát kỹ những sở thích, sở trường, sở đoản được các em bộc lộ qua những hoạt động hàng ngày, từ đó cha mẹ cũng có vai trò rất lớn trong hành trình định hướng nghề nghiệp cho con.

Hướng nghiệp theo từng giai đoạn

Trước vấn đề hướng nghiệp, nhiều chuyên gia giáo dục đã từng cho rằng, không chỉ với học sinh THCS, THPT, hoạt động hướng nghiệp có thể bắt đầu từ bậc tiểu học. Từ đó giúp khai phá, xác định năng lực của trẻ giúp tìm ra định hướng tương lai đúng đắn, phát huy, thúc đẩy sở trường và điều chỉnh những sở đoản. Tuy nhiên, cách làm ở từng bậc học, từng giai đoạn có những khác nhau, phù hợp với khả năng tiếp cận, nhu cầu của học sinh.

Nếu ở những lớp dưới, nhà trường, giáo viên có vai trò trong việc tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, các bài phân tích, đánh giá giúp các em hiểu rõ năng lực của mình thì khi học sinh đến khoảng lớp 8-9 trở đi, việc giới thiệu về thông tin các ngành nghề cũng cần được dần triển khai. Từ đó, hình thành việc phân luồng học sinh sau cấp THCS được tốt hơn, giúp các em thoát khỏi tình trạng mơ hồ về ngành nghề. Nhận diện năng lực bản thân, hiểu rõ thông tin ngành nghề sẽ làm giảm thiểu tình trạng làm trái ngành, trái nghề, thất nghiệp, giúp nguồn nhân lực có khả năng thích ứng tốt với những biến động của thị trường lao động.

Theo thầy giáo Hoàng Đình Anh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, riêng tại nhà trường, vấn đề hướng nghiệp được quan tâm từ sớm ngay từ lớp 6 và từ lớp 8 triển khai sâu hơn. Việc gắn kết với các hoạt động ngoại khóa, đặt vấn đề với các trường ĐH để tranh thủ chuyên môn sâu và sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị sẽ phục vụ hoạt động hướng nghiệp tốt hơn cho các học sinh, nhất là khối 8, 9 trở lên.

Hiện nay, các trường có thể tổ chức nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, từ các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; tham quan, trải nghiệm thực tế ở trường đại học, các công ty… Các trường cũng có thể mời các chuyên gia hướng nghiệp hoặc những người thành công trong một lĩnh vực nào đó tham gia tư vấn, giải đáp trực tiếp cho học sinh. Đây là điều không phải giáo viên, phụ huynh nào cũng có đủ hiểu biết để định hướng cho học sinh.

Quan trọng không kém là sự gắn kết giữa bậc ĐH và các trường THCS, THPT. Ngoài mục đích thu hút người học, phải làm cho hoạt động định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh trở thành chương trình tư vấn khách quan, sớm và phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Return to top