ClockThứ Tư, 17/01/2024 07:02

Kết nối thị trường làm việc nước ngoài

TTH - Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nguồn lao động được đào tạo tại Huế có thể chuyển dịch sang làm việc ở các thị trường nước ngoài.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Các doanh nghiệp châu Á muốn mở rộng ra thị trường nước ngoàiĐưa sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xaKết nối các Làng Công nghệ quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

 Sinh viên ngày càng có nhiều cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà cả nước ngoài

Thị trường rộng mở

Về cung ứng nguồn kỹ sư cho các thị trường nước ngoài ở Đại học Huế hiện nay, nhiều nhất đang là Trường đại học Nông Lâm. Trường này cho biết, Nhật Bản mỗi năm đang tuyển hàng chục kỹ sư lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các thị trường Đan Mạch, Đài Loan, Israel… cũng đang tuyển dụng các kỹ sư nông nghiệp của trường với số lượng đáng kể.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường đại học Nông Lâm cho biết, Nhật Bản đang là thị trường tuyển dụng kỹ sư nhiều nhất. Các lĩnh vực tuyển dụng tập trung ở công nghệ thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, khoa học cây trồng. Đối với thị trường Đan Mạch, tập trung tuyển dụng kỹ sư nông học, chăn nuôi, thú y làm việc ở các nông trại lớn. Với Đài Loan, tuyển các kỹ sư nông học. Riêng với Israel, đất nước này đang phát triển các nông trại nông nghiệp công nghệ cao nên tuyển nhiều kỹ sư khoa học công nghệ cây trồng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, hiện nay trường hợp tác với 10 đối tác nước ngoài. Thông qua hợp tác, bên cạnh cung ứng nguồn kỹ sư, hàng năm nhà trường cử khoảng 60 sinh viên đi thực tập nghề nghiệp ở các nước. Đa số các sinh viên sau thực tập đều ở lại làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, ở lĩnh y tế, Trường đại học Y - Dược cho biết, những năm qua đã có hàng trăm sinh viên chuyên ngành điều dưỡng của nhà trường sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh, du học. Rất nhiều điều dưỡng đã đỗ chứng chỉ hành nghề điều dưỡng quốc gia Nhật Bản và ở lại để làm việc. Do nhu cầu lao động lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản cao, thu nhập tốt nên phần lớn các điều dưỡng có công việc và đời sống ổn định, thành công.

Đại học Huế thông tin, hiện các ngành như công nghệ thực phẩm, cơ khí, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, các ngành nông học... là được các thị trường nước ngoài tuyển cao nhất. Xác định được nhu cầu này, Đại học Huế đang tiếp tục mở rộng các kênh hợp tác để đáp ứng. Như tại Trường đại học Khoa học Huế, vừa qua đã có sự hợp tác đầu tiên với các đối tác Nhật Bản để đào tạo và cung ứng nguồn lao động ở lĩnh vực điện tử. Hợp tác đầu tiên đã mang lại kết quả, khi 4/5 tân kỹ sư tham gia thực tập tại Nhật Bản được phỏng vấn và sang làm việc tại Nhật Bản.

Được biết, mức lương khởi điểm khi các kỹ sư sang Nhật Bản làm việc tại doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng là khoảng 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra được hưởng các chế độ bảo hiểm, thưởng như lao động Nhật Bản; được tăng lương theo từng năm… Phía doanh nghiệp Nhật Bản thông tin, đang cần tuyển dụng đội ngũ kỹ sư vận hành dây chuyền, kết nối giữa người thợ và bộ phận quản lý; các kỹ sư có năng lực và biết tiếng Nhật để tăng khả năng kết nối khi làm việc. Vì vậy, trong thời gian đến công ty sẽ quay trở lại để tuyển dụng các kỹ sư điện, xây dựng, điện tử, kiến trúc có năng lực, ngoại ngữ tốt.

Cần khắc phục những rào cản

Theo các chuyên gia, khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thị trường lao động càng rộng mở ra giữa các nước, nhất là các nước có đặt các mối quan hệ hợp tác, hay các nước nằm trong các hiệp định kinh tế song phương. Để có thể hội nhập, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các thị trường nước ngoài, đòi hỏi sự chủ động từ người lao động và cơ sở đào tạo. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là nhân tố quy định, đòi hỏi người lao động tăng các chỉ số về sức khỏe, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, đáp ứng thêm chỉ tiêu đánh giá về nhân cách, đạo đức, lối sống, tác phong trong lao động; khả năng sẵn sàng làm việc, khả năng thích ứng trong công việc…

Một khảo sát mới đây của Đại học Huế cho thấy, khoảng 40% số sinh viên có nhu cầu làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, một hạn chế rất lớn của lao động ảnh hưởng đến hội nhập là có đến khoảng 70% sinh viên cho rằng, gặp rào cản về ngoại ngữ khi ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó là không có kinh phí để đặt cọc ban đầu để đi làm việc ở nước ngoài.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức phân tích, đó chính là hai rào cản cơ bản khiến cho số lượng kỹ sư sang nước ngoài vẫn còn ít so với thực tiễn nhu cầu. Nhận thấy các hạn chế đó, nhà trường đã và tiếp tục triển khai các giải pháp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên có muốn sang các nước làm việc sau khi ra trường. Nhà trường định hướng từ sớm và tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ. Tận dụng các kênh đào tạo ngoại ngữ của các đối tác nước ngoài để sinh viên học tập.

“Các chương trình đi làm việc nước ngoài, kể cả chương trình thực tập ít nhiều đều cần có kinh phí đối ứng từ người học. Nhiều sinh viên khó khăn, giải pháp là Nhà nước cần có những chương trình vay vốn ưu đãi, hay kênh tín dụng nào đó cho sinh viên vay mượn. Khi các em làm việc có thu nhập sẽ trả như cam kết”, PGS.TS. Nguyễn Văn Đức đề xuất.

Ở lĩnh vực y tế, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế đánh giá, chắc chắn thị trường làm việc ở nước ngoài thời gian đến sẽ càng mở rộng. Với lĩnh vực y tế, sau Nhật Bản và Đức, rất có thể các nước ở Đông Á, châu Âu, ASEAN sẽ có nhu cầu tăng lên. Sự chủ động là vô cùng cần thiết cho tất cả các cơ sở đào tạo, kể cả Trường đại học Y – Dược. Vừa qua, nhà trường tổ chức nhiều diễn đàn để nắm bắt cơ hội, thách thức và giải pháp cho sinh viên sang nước ngoài làm việc sau khi ra trường. Hầu hết các đối tác đều thông tin sẽ tăng cường hợp tác về trao đổi nhân lực y tế trong lĩnh vực y khoa và khoa học sức khỏe.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top