ClockThứ Sáu, 07/04/2023 06:22

Đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa

TTH - Với sự phát triển của công nghệ số, các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội để tiêu thụ sản phẩm thông qua thị trường thương mại điện tử, kết nối đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

Festival Nghề truyền thống Huế: Hướng đến những hoạt động thường xuyênNgười trẻ và ZèngPhát triển du lịch gắn với làng nghề

leftcenterrightdel
Giới thiệu sản phẩm bánh pháp lam 

Chưa có thị trường

Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Tuy nhiên, doanh thu làng nghề và thu nhập lao động nghề truyền thống sụt giảm và gặp nhiều khó khăn trong những năm vừa qua, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến du lịch “đóng băng”.

Năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh khảo sát thực trạng tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh và đưa ra nhận định, nguyên nhân của khó khăn trên do không có thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm làng nghề đa phần tiêu thụ ở trong tỉnh, chủ yếu bán cho khách du lịch mà chưa vươn ra các tỉnh, thậm chí ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho hay, các làng nghề phát triển tốt nhưng không có tính lan tỏa. Nhiều làng nghề chưa tiếp cận được chính sách, thiếu vốn. Nghệ nhân giảm về số lượng. Sản phẩm làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ với các làng nghề nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. 61% hộ kinh doanh đang thiếu vốn, 30% hộ chưa từng được giới thiệu các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Thiếu vốn ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh và dự trữ nguyên, vật liệu sản xuất.

Các làng nghề vẫn còn yếu trong công tác nghiên cứu thị trường nước ngoài, thị hiếu tiêu dùng. Giải pháp bán hàng và phân phối sản phẩm còn theo phương pháp truyền thống, chưa bắt kịp với xu hướng bán hàng hiện đại như: quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán hàng online, chương trình kích cầu…

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế, một trong những chiến lược của tỉnh là thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên các yếu tố của địa phương, với các nền tảng là sản phẩm hoặc lợi thế địa phương. Sản phẩm làng nghề truyền thống là nét độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa của Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, quá trình phát triển có nhiều thứ thay đổi, từ phương thức mua sắm, cách thức tiêu dùng đến cách thức vận chuyển… bắt buộc sản phẩm làng nghề truyền thống cũng phải điều chỉnh.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm từ làng nghề đệm bàng Phò Trạch

Cơ hội rộng mở

Đưa sản phẩm truyền thống Huế đi khắp nơi, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển là nhiệm vụ được Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế đặt ra trong chương trình “Thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương” thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Hội nghị kết nối chuyên gia được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua cũng nhằm tư vấn các giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương.

Bà Phan Thị Lan Phương, chuyên gia về truyền thông cho rằng, ngày nay, điều kiện tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn trước đây. Thương mại điện tử giúp mọi người buôn bán xuyên biên giới. Những sản phẩm truyền thống của Huế có giá trị văn hóa chiều sâu, độc đáo mà những nơi khác không có, hoàn toàn có thể bán ra nước ngoài. Điều quan trọng là cần xác định được đối tượng khách nào sẽ mua sản phẩm đấy, từ đó, chọn cách truyền thông như thế nào, tập trung vào kênh nào.

Ông Nguyễn Đức Tùng, CEO của Công ty TNHH X10 Digital cho biết, năm ngoái, ông tham gia hỗ trợ cho một doanh nghiệp sản xuất trầm hương của Huế đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và doanh thu tăng gấp đôi so với năm trước. Thậm chí, một số doanh nghiệp ký được đơn hàng lớn từ những khách hàng lẻ trên sàn thương mại điện tử. Như vậy, việc đưa sản phẩm truyền thống của Huế lên các sàn thương mại điện tử rất khả thi.

“Làm thương mại điện tử không quá khó cũng không cần đầu tư quá lớn, chỉ cần làm đúng cách. Chỉ với hình thức livestream, một đôi vợ chồng bán bò khô ở Tây Nguyên có doanh thu hàng tỷ đồng mà không cần đội ngũ marketing chuyên nghiệp. Đầu ra không còn quá khó khăn như cách đây 10 năm, các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này”, ông Tùng nhấn mạnh.

Khi phương thức bán hàng thương mại điện tử lên ngôi, khách hàng có xu hướng cá nhân hóa trong tiêu dùng. Nhiều người mua sản phẩm vì nó có ấn tượng. “Các doanh nghiệp nên làm các video giới thiệu sản phẩm. Mỗi sản phẩm làm một video khoảng 30-40 giây để tác động cảm xúc, tiếp cận người mua một cách trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội”, bà Lan Phương đề xuất.

Huế là vùng đất có đầy đủ chất liệu để có thể kể những câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm. Thay vì giảm giá, các làng nghề cần tập trung nâng cao chất lượng, thổi hồn vào câu chuyện, cho khách lý do để mua sản phẩm. Nhiều khách hàng thích sản phẩm của Huế vì được làm bởi các nghệ nhân, làm bằng cái tâm với nghề và gắn với những câu chuyện văn hóa nên sẵn sàng tìm mua dù giá có thể cao hơn nơi khác.

Thông qua sự kết nối của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, một cơ hội mở ra cho các làng nghề của Thừa Thiên Huế đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu. Sau khi tìm hiểu, ông Dương Ngọc Tú, Phó Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu cho biết, nhiều sản phẩm truyền thống của Huế khả năng cao có thể nhập vào châu Âu nếu làm bài bản, đúng quy chuẩn.

“Thị trường châu Âu khá nghiêm ngặt, nhiều quy định. Muốn vào thị trường này, phải có đối tác của châu Âu, biết các quy trình cần phải thực hiện. Hiện, chúng tôi đang hợp tác với một doanh nghiệp nhập khẩu một số sản phẩm truyền thống của Việt Nam vào châu Âu. Chúng tôi đang có thị trường và cơ hội rất rộng mở cho sản phẩm làng nghề truyền thống của Huế. Khi thâm nhập vào thị trường này, giá trị của doanh nghiệp sẽ được nâng lên. Những sản phẩm nào muốn xuất khẩu có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ các bước về tiêu chuẩn, giấy phép xuất khẩu...”, ông Tú nói.

Để tiêu thụ được sản phẩm, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống cũng cần nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế để có cái nhìn tổng quan liên quan tới thị trường. Với thị trường nước ngoài, các làng nghề cần xem xét những yếu tố về văn hóa và nhu cầu của khách. Có thể khi đến Huế du lịch, du khách thấy sản phẩm đẹp và mua về, nhưng khi xuất khẩu thì thiết kế sản phẩm phải tương hợp với người mua, phải làm cái mà họ cần. Ngoài chất lượng, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì ấn tượng…

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Return to top