Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trao tặng Học viện Âm nhạc Huế bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết – Bản sắc – Hội nhập – Phát triển”
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã nhấn mạnh như thế tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (1962-2022) và 15 năm thành lập Học viện Âm nhạc Huế diễn ra ngày 1/10.
Đến dự còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các sở ban ngành, các trường, đơn vị liên kết đào tạo cùng đông đảo học sinh, sinh viên qua nhiều thế hệ của trường.
Học viện Âm nhạc Huế tiền thân là Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế được thành lập năm 1962, đến năm 1986 sáp nhập với Trường cao đẳng Nghệ thuật Huế. Năm 1994 đổi tên thành Trường đại học Nghệ thuật Huế - trực thuộc Đại học Huế, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Học viện Âm nhạc Huế - thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở tổ chức lại các Khoa, Bộ môn ngành âm nhạc của Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế.
Sự ra đời Học viện Âm nhạc Huế là phù hợp với xu hướng phát triển, bảo tồn giá trị di sản và văn hóa trong khu vực. 60 năm, một chặng đường, Học viện đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách để phát triển và khẳng định được vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, biểu diễn, giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc di sản, văn hóa dân tộc cả về quy mô và chất lượng.
Học viện đã đào tạo hơn 8.000 học viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hoạt động chuyên nghiệp về lĩnh vực âm nhạc, triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực cũng như vào việc nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc của vùng văn hóa đặc sắc miền Trung và Tây nguyên hết sức phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
TS. Hà Mai Hương – Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế khẳng định, 60 năm là một khoảng thời gian chưa hẳn là dài nếu so sánh với sự hình thành và phát triển của các ngành đào tạo khoa học khác, nhưng chúng ta có thể tự hào về sự trưởng thành của học viện trong thời gian qua đã thực hiện tốt vai trò của một cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đại diện cho khu vực miền Trung – Tây nguyên.
Bên cạnh đào tạo chính quy, từ năm 2001 học viện đã cho mở rộng liên kết đào tạo vừa học vừa làm, liên thông lên đại học với các tỉnh thành, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đại học, chuẩn hóa cán bộ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho các tỉnh miền Trung – Tây nguyên. Ngoài ra, học viện tổ chức nghiên cứu khoa học với các đề tài cấp bộ, tỉnh cũng như tổ chức các hội thảo khoa học quan trọng tìm ra giải pháp phát triển âm nhạc di sản, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, Học viện âm nhạc Huế mang trọng trách là một trong ba cơ sở đào tạo tài năng âm nhạc của cả nước với sứ mệnh đào tạo tài năng biểu diễn âm nhạc; nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lĩnh vực âm nhạc; giao lưu và quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng mong muốn học viện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên ngang tầm với vị thế của mình. Cũng như mong muốn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho vọc viện.
Bên cạnh đó, cũng hy vọng học viện sẽ hoàn thành những hoài bão của chính mình, khẳng định vị thế trong hệ thống các cơ sở đào tạo âm nhạc, vươn tới là trung tâm đào tạo lớn của cả nước trong lĩnh vực này.
Dịp này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cũng đã thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng Học viện Âm nhạc Huế bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết – Bản sắc – Hội nhập – Phát triển”.
Tin, ảnh: N. Minh