ClockThứ Sáu, 17/05/2024 06:16

Khẳng định vị trí của Đại học Huế trên trường quốc tế

TTH - Hợp tác quốc tế (HTQT) ngày càng được mở rộng và đạt hiệu quả cao, điều đó đã giúp Đại học Huế khẳng định được vị trí trên các bảng xếp hạng giáo dục đại học hàng đầu.

Tăng hợp tác về khoa học công nghệ Tăng tính thương mại từ nhóm nghiên cứu mạnhTiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

Chuyên gia quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế 

Ghi điểm ở lĩnh vực HTQT

Ngày 1/5/2024, Time Higher Education (THE) - Tạp chí về tin tức và những vấn đề có liên quan đến giáo dục đại học đã công bố bảng xếp hạng các đại học châu Á năm 2024. Trong bảng xếp hạng này, Đại học Huế là 1 trong 6 cơ sở của Việt Nam được xếp hạng. Đại học Huế đồng xếp hạng thứ 4 với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng vị trí 601+.

Điều được nhấn mạnh là ở các tiêu chí xếp hạng của THE, như: Giảng dạy, triển vọng quốc tế, chuyển giao, môi trường nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu, thì tiêu chí triển vọng quốc tế (International Outlook) Đại học Huế được đánh giá cao nhất trong các đơn vị ở Việt Nam trong bảng xếp hạng. Tiêu chí triển vọng quốc tế chiếm trọng số 7,5%, bao gồm tỷ lệ sinh viên quốc tế/sinh viên trong nước (2,5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế/giảng viên trong nước (2,5%) và HTQT (2,5%).

Cuối năm 2023, THE cũng đã công bố xếp hạng đại học thế giới theo các lĩnh vực khoa học. Trong số 11 lĩnh vực, Đại học Huế được xếp hạng ở 4 lĩnh vực: Lâm sàng & Sức khỏe, Kỹ thuật, Khoa học Sự sống và Khoa học Vật lý. Ở cả 4 lĩnh vực, tiêu chí đạt điểm cao nhất là triển vọng HTQT. Cùng thời điểm cuối năm 2023, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố kết quả xếp hạng đại học châu Á 2024. Đại học Huế giữ vị trí 351 - 400. Ở bảng xếp hạng này, tiêu chí về Mạng lưới nghiên cứu quốc tế của Đại học Huế có điểm số cao nhất, xếp thứ 155, tăng 40 bậc so với 2023.

Theo Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế, các bảng xếp hạng đại học uy tín hiện nay đều sử dụng các chỉ tiêu liên quan đến yếu tố quốc tế, như tỷ lệ sinh viên quốc tế, số bài báo khoa học quốc tế, số lượng giảng viên quốc tế, số lượng chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài... Theo THE, khả năng thu hút được sinh viên đại học, sau đại học và giảng viên từ khắp nơi trên thế giới là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc củng cố vị thế quốc tế. Hay như QS, tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế chứng tỏ sự thu hút và khả năng xây dựng thương hiệu quốc tế của mỗi cơ sở giáo dục; cung cấp môi trường đa quốc gia, tạo điều kiện giao thoa văn hóa, phát triển kỹ năng mềm - những kỹ năng ngày càng có giá trị đối với nhà tuyển dụng.

Theo TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế, hiện nay, Đại học Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới; thực hiện 21 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các đại học nước ngoài. Đại học Huế cũng là thành viên chính thức của 17 mạng lưới đại học, tổ chức đào tạo và nghiên cứu quốc tế; tham gia hầu hết các mạng lưới viện nghiên cứu và trường đại học trong nước theo các ngành nghề đa dạng... đó là những minh chứng cụ thể để nói lên HTQT của Đại học Huế ngày càng sâu rộng.

Mở rộng hợp tác

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đánh giá, bên cạnh những con số, việc Đại học Huế được đánh giá cao ở lĩnh vực HTQT như vừa qua là ở kết quả của các hợp tác đó. Nhiều dự án hợp tác được triển khai và đạt những thành tựu vượt bậc. Nhiều hợp tác giữa giảng viên Đại học Huế với các chuyên gia quốc tế đạt kết quả chung rất cao, xuất sắc đạt các giải thưởng lớn. Điều đó khẳng định không chỉ chuyên môn của giảng viên, mà còn quảng bá hiệu quả cho Đại học Huế về chất lượng, môi trường học thuật. Đại học Huế cũng nhận được sự tin tưởng của nhiều tổ chức khi chọn làm nơi tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế. Hay Đại học Huế cũng đón tiếp nhiều chuyên gia đến giảng dạy. Họ đã đánh giá rất cao về môi trường học thuật, tính chuyên nghiệp và khả năng quản trị của các trường thành viên Đại học Huế.

Một yếu tố mà Đại học Huế được đánh giá rất cao thời gian qua, là ngày càng có nhiều nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên quốc tế lựa chọn làm nơi học tập, nghiên cứu. Năm 2023, nghiên cứu sinh đầu tiên của nước Lào đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học Huế. Hiện tại, Đại học Huế đang đón nhận 1 nghiên cứu sinh, 8 học viên học thạc sĩ và 143 sinh viên quốc tế theo học. Ngay cả ở những đất nước nền giáo dục được xem là chất lượng hàng đầu châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, thì cũng đã có sinh viên đến Đại học Huế học tập và nghiên cứu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa, HTQT trong giáo dục đại học là một xu hướng tất yếu, nhằm gia tăng sự trao đổi kiến thức và kinh nghiệm xuyên quốc gia. HTQT không chỉ dừng lại trong một một lĩnh vực cụ thể, hay một chuyên ngành mà mang tính chất tổng thể, tích hợp vào tất cả các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Theo các chuyên gia, xét ở bối cảnh hội nhập, các trường đại học không chỉ là một thiết chế giáo dục, mà còn có vai trò lớn hơn trong thúc đẩy HTQT mang tính khu vực, quốc gia và địa phương.

PGS.TS. Lê Anh Phương khẳng định, một trong các mục tiêu phát triển chiến lược của Đại học Huế là lọt “top” 300 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng QS. Cũng như tiếp tục tăng hạng trên bảng xếp hạng THE. Dựa trên những tiêu chuẩn, tiêu chí của các bảng xếp hạng, Đại học Huế triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là những khía cạnh mà Đại học Huế đang có thế mạnh; trong đó ưu tiên rộng HTQT, gia tăng tính hiệu quả của các hợp tác.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
1
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ PHÚ BÀI THÔNG BÁO MỜI CHÀO GIÁ

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP tổ chức mời chào giá rộng rãi hạng mục mua sắm “Bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị mặt đất 6 tháng cuối năm 2024 tại Cảng HKQT Phú Bài”.

CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ PHÚ BÀI THÔNG BÁO MỜI CHÀO GIÁ
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

TIN MỚI

Mẫu áo thun đồng phục cao cấp Học ngành điều dưỡng tại Đại học Duy Tân
Return to top