Vui trung thu của trẻ ở Trường mầm non Bích Trúc
Ở các vùng nông thôn, huy động trẻ mầm non đến lớp, nhất là trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, vẫn gặp khó khăn. Giáo viên mầm non ở huyện Phú Vang kể rằng, phụ huynh là những lao động nghèo nên một tháng phải đóng vài trăm ngàn đồng cho con ở lại bán trú là điều rất khó. Nhiều người đóng tiền ăn cho con từng ngày, thậm chí nhà trường phải cho phụ huynh “nợ’’ khi nào nhận tiền công mới đem đến trả. Nếu trường không nhận, họ lại đem con theo cùng, chúng lại vất vả, vật lộn mưu sinh cùng bố mẹ. Ở miền núi, vùng xa, trẻ ở tuổi mầm non cứ quanh quẩn ở nhà, có chi ăn nấy. Có em suốt ngày theo bố mẹ, ông, bà khi lên nương rẫy. Do khó khăn một phần nhưng chủ yếu vẫn là thói quen của người dân, không muốn con đi học khi có người lớn ở nhà.
Những gia đình có điều kiện hơn, phụ huynh lại không muốn gửi con đến nhà trẻ sớm. Họ lo ngại con sẽ không được chăm tốt khi lớp học đông nhưng chỉ có 3 cô giáo. Chưa kể, nhiều lớp học còn nhếch nhác khiến phụ huynh chưa yên tâm khi cho con đi trẻ. Nhiều trẻ chưa thích nghi với môi trường mới nên thường xuyên đau ốm, ăn uống khó khăn, phải nghỉ học giữa chừng. Không ít người chọn giải pháp gửi con tại các nhóm trẻ gia đình hoặc thuê người trông coi tại nhà để có thời gian “tập dượt” trước khi cho con đi học. Chị Lê Thị Vân, một phụ huynh có con ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) bộc bạch: Tôi cho con đi học được hai tuần nhưng cháu vẫn chưa quen lớp cứ khóc mãi, lại hay đau ốm nên phải gửi cháu ở nhóm trẻ gia đình. Ở đây, cháu được chăm sóc tốt hơn khi có riêng một người chăm, tuy nhiên, tôi vẫn thấy cháu phát triển chậm hơn so với những bạn đã đi học ở trường mầm non".
Tiết mục văn nghệ của các bé ở Trường mầm non 1 (TP. Huế)
Cứ vào trung tuần tháng 9, giáo viên các trường mầm non ở các huyện lại “lo sốt vó” khi phải nắm danh sách trẻ chưa ra lớp để đến từng nhà vận động. Nhiều cô giáo trẻ chạnh lòng khi thấy các em cứ chơi một mình ở góc nhà, không có đồ chơi, không được chăm sóc hợp lý, lại không an toàn. Nhiều trẻ lên ba nhưng phát âm rất chậm, không hoạt bát, có trẻ có biểu hiện tính tự kỷ. Kinh nghiệm của nhiều giáo viên cho thấy, muốn trẻ đến lớp, nhà trường phải tạo sự an tâm cho phụ huynh và ngược lại phụ huynh phải hiểu rõ tầm quan trọng trong việc cho trẻ đến lớp đúng độ tuổi thì công tác huy động trẻ đến lớp mới đạt hiệu quả.
Con số 25,8% trẻ nhà trẻ và 83% trẻ mẫu giáo được huy động đến lớp cho thấy, đi nhà trẻ vào thời điểm nào là nỗi băn khoăn của không ít bậc phụ huynh. Bởi, nếu đi nhà trẻ sớm quá lại lo ngại bé bị ốm, còn đến nhà trẻ trễ quá phụ huynh lại lo không tốt cho sự phát triển của các cháu.
Theo các chuyên gia tâm lý, 1- 3 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển mạnh về các giác quan và nhận thức, vì vậy từ 1 tuổi trở lên là thời điểm có thể gửi bé đến nhà trẻ, lúc này bé đã nói chuyện rõ ràng và bắt đầu có nhu cầu kết bạn. Kinh nghiệm cho thấy, trẻ từ 16 - 24 tháng là thời điểm thích hợp nhất để đi lớp. Lứa tuổi đó các bé đã cứng cáp, ăn uống sinh hoạt tốt, có khả năng thích nghi với môi trường mới tốt, ham thích học hỏi và vui chơi. Còn nếu để 3 tuổi mới đi lớp thì khá muộn vì khi đó bé đã có thể có tư tưởng và hành động "chống đối" việc đi lớp khi phải thay đổi môi trường mới, cũng như việc tiếp nhận các thông tin bên ngoài sẽ khó khăn hơn. Trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường tốt nhất, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, cân đối, hài hòa, đặc biệt là trẻ được học tập xuyên suốt từ các lớp nhà trẻ đến các lớp mẫu giáo, là tiền đề để trẻ vững vàng bước vào lớp một trường tiểu học.
Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích khi ở nhà với người thân có chiều hướng gia tăng vẫn đáng lo ngại. Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi xảy ra; một số cháu lại ăn quá thừa dinh dưỡng gây ra béo phì mà nguyên nhân là do trẻ lười vận động. Đó là thực trạng chung khi tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp. Thế nên, vẫn cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị ngay tại địa phương trong việc huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi.
Bài, ảnh: Huế Thu