ClockThứ Năm, 10/02/2022 13:45

Không để nghiên cứu hay “cất vào tủ”

TTH - Tận dụng lợi thế nguồn lực, đội ngũ và năng lực nghiên cứu, Đại học (ĐH) Huế đang định hướng trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ mạnh và giải bài toán cho những nghiên cứu hay nhưng chưa thể chuyển giao, thương mại hóa.

Khép lại năm 2021 bằng những giải thưởng lớnMất ngủ vì gừngKhi các tạp chí khoa học được nâng điểmLấy kiểm định chất lượng làm thước đo thương hiệu

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế trao đổi về kết quả nghiên cứu

Giải bài toán khó

Mới đây, ĐH Huế công bố tin vui về số lượng bài báo xuất bản quốc tế tăng vượt bậc. Năm 2021, ĐH Huế có 402 bài báo trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục Web of Science và 468 bài trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus. Theo PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, đại diện Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế, với tổng số bài báo trên cả 2 danh mục là 522 bài, lần đầu tiên ĐH Huế vượt qua mốc 500 bài báo khoa học quốc tế uy tín trong một năm. Đó thực sự là bứt phá trong lộ trình hướng đến mục tiêu đạt 1.000 bài báo xuất bản quốc tế năm 2025.

Tin vui nói trên là yếu tố cần thiết giúp giải bài toán liên quan đến nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Theo lãnh đạo ĐH Huế, 3 yếu tố quan trọng liên quan lĩnh vực này là xuất bản quốc tế, nghiên cứu, chuyển giao, tạo ra  nguồn thu và phục vụ cộng đồng. ĐH Huế bước đầu đã làm tốt xuất bản quốc tế; hoạt động nghiên cứu phục vụ cộng đồng được triển khai mạnh và từng bước thành quy củ, nhưng lâu nay vẫn còn gặp khó khăn với việc nghiên cứu chuyển giao và tạo được nguồn thu lớn.

Các chuyên gia Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế tập trung nhiệm vụ nghiên cứu

Trong vòng 6 năm (2016 - 2021), ĐH Huế có 16 sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp, đơn cử như Quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Bokashi Trầu chuyển giao cho Công ty TNHH HappyFood Đồng Nai, trị giá 600 triệu đồng năm 2018; 5 sản phẩm được thương mại hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Song, nếu so sánh với nguồn lực đội ngũ, năng lực nghiên cứu thì vẫn thấy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm chưa thực sự xứng tầm với ĐH Huế.

Đại diện ĐH Huế thừa nhận, từ bài báo đến thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ còn có khoảng cách. Một số nghiên cứu nhưng chưa tác động vào được doanh nghiệp và đời sống xã hội về sản phẩm chuyển giao và mang lại nguồn thu lớn cho ĐH Huế. Nguyên nhân chính là việc kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng chưa đi đến tận cùng vấn đề. Việc gắn kết với doanh nghiệp và địa phương để giải quyết đầu ra chưa tốt. Đó là lý do chung mà nhiều đơn vị trong cả nước gặp phải tình trạng thường được ví von là “nghiên cứu hay nhưng đem cất vào tủ”.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế, những vấn đề trên được lãnh đạo ĐH Huế rất trăn trở và tìm giải pháp để thay đổi. Hiện nay, tỉnh nhà và nhiều địa phương rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ gắn với thế mạnh địa phương. Định hướng nghiên cứu cũng sẽ đặt doanh nghiệp, địa phương vào đề tài nghiên cứu để cùng đi với nhau, khi có sản phẩm đầu ra thì có thể thương mại hóa. ĐH Huế cũng hướng đến giải pháp phải có công trình cụm công trình dài hơi, giải quyết những vấn đề lớn.

Định hướng trung tâm chuyển giao công nghệ mạnh

ĐH Huế đang xây dựng phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Theo lãnh đạo ĐH Huế, trên cơ sở những nền tảng vững chắc về đào tạo, KHCN đạt được trong 65 năm phát triển, ĐH Huế định hướng xây dựng trở thành ĐH Quốc gia, định hướng ĐH nghiên cứu, ĐH thông minh; trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm kỹ thuật - công nghệ cao góp phần xây dựng trung tâm công nghệ cao của tỉnh và khu vực miền Trung.

ĐH Huế sẽ tập trung định hướng phát triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ "lõi", đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN vào phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chú trọng phát triển các hướng công nghệ ưu tiên: công nghệ về vật liệu bán dẫn và vi mạch; công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ nano và vật liệu mới; công nghệ sinh học; tế bào gốc; công nghệ năng lượng; môi trường và biến đổi khí hậu; công nghệ trong quản lý tài nguyên và di sản.

ĐH Huế cũng định hướng phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh phát triển DigiNet cho lĩnh vực Metaverse. Phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học. ĐH Huế đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế giai đoạn 2021 - 2025 với các nhiệm vụ trung tâm là nghiên cứu cơ bản về khoa học sự sống; nghiên cứu nguồn tài nguyên sinh vật để nghiên cứu trong y dược, sinh học biển, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến và môi trường; nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm động và thực vật; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu sinh học mới; phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y - dược.

Để thực hiện những định hướng trên, nhiều giải pháp đã và đang được ĐH Huế triển khai, trong đó sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu và đào tạo có trọng điểm; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. ĐH Huế cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, xây dựng và phát triển mạng lưới các tổ chức chuyên nghiệp phục vụ quá trình chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KHCN.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Return to top