ClockThứ Bảy, 28/05/2022 06:45
ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH THEO THÔNG TƯ 22:

Không nặng về điểm số

TTH - Theo lộ trình, từ năm học 2021-2022, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT sẽ áp dụng đối với lớp 6. Giáo viên đánh giá học sinh theo hướng khuyến khích, tương tác giữa thầy và trò, chứ không nặng về điểm số.

Thông tư 22: Giáo viên tiếp tục gặp khó khi nhận xét học sinhHỗ trợ giáo viên tiểu học xây dựng đề kiểm tra theo thông tư 22

Chương trình giáo dục phổ thông mới không nặng về điểm số

Các môn học được đánh giá như nhau

Sau 1 năm thực hiện Thông tư 22 cho thấy, có nhiều điểm mới phù hợp. Đáng chú ý là không còn phân biệt môn chính, môn phụ khi đánh giá, mà chỉ đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của các em theo 4 mức độ: tốt - khá - đạt - chưa đạt (bỏ mức độ trung bình, yếu kém). Khen thưởng học sinh cũng sẽ theo 3 mức độ: xuất sắc - giỏi - hoàn thành (bỏ khen thưởng học sinh tiên tiến, không phân biệt học sinh trung bình).

Điểm mới của Thông tư 22/2021 là áp dụng cho chương trình phổ thông mới. Theo thông tư, có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số (các môn học còn lại).

Sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, các trường đã triển khai kịp thời đến giáo viên và học sinh. Theo nhiều giáo viên, hình thức đánh giá học sinh rất phù hợp, giáo viên có thể nhận xét, đánh giá ngay ở những bài tập trong quá trình dạy. Do vậy, giáo viên kịp thời động viên, uốn nắn, biểu dương học sinh trong quá trình dạy học, giúp các em tiến bộ, đặc biệt học sinh yếu kém sẽ tự tin và phấn đấu hơn.

Về phía phụ huynh, nhiều người đồng tình khi nhà trường thực hiện thông tư này đối với học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022. Chị Trần Thị Hà, có con học Trường THCS Hùng Vương chia sẻ, Thông tư 22 bỏ cách tính điểm trung bình các môn, giúp học sinh không còn áp lực giỏi toàn diện, qua đó giảm bệnh thành tích trong giáo dục. Các môn học đã được đánh giá như nhau không còn chú trọng 2 môn toán, văn như trước khiến chúng tôi thực sự yên tâm về kết quả học tập của con.

Ở góc độ quản lý, sau 1 năm triển khai, cô giáo Đoàn Thị Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Sào Nam (TP. Huế), nhìn tổng thể, Thông tư 22 đang đi đúng hướng và hiệu quả hơn trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Giảm số lượng đầu điểm kiểm tra thường xuyên giúp giảm áp lực về hồ sơ, đầu điểm cho giáo viên, đặc biệt với những bộ môn nhiều giờ. Thông tư cũng chỉ ra vai trò phối hợp giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục, đồng hành với học sinh.

Cần chi tiết, cụ thể

Có một vài khó khăn mà nhiều trường học đang phải đối diện khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6. Đó là, 1 giáo viên phải dạy 1 môn tích hợp, đặc biệt là môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn lý - hóa - sinh). Phần lớn, các trường học trên địa bàn không có giáo viên được đào tạo cả 3 phân môn này. Khó khăn ở chỗ, nếu 3 người dạy 3 phân môn, đến lúc đánh giá học sinh thì 3 giáo viên phải ngồi lại với nhau. Trong trường hợp đánh giá, nhận xét không đồng nhất sẽ sai lệch kết quả. Thế nên, thời gian đến khi  giáo viên được đào tạo cả 3 phân môn thì sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá năng lực học sinh.

Cũng theo quy định tại Thông tư 22, đối với những môn học từ 70 tiết trở xuống thì thời lượng kiểm tra giữa kỳ và thời gian cuối kỳ là 45 phút. Đối với môn học trên 70 tiết, thời gian kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ từ 60 - 90 phút. Tuy nhiên, quy định này cũng gây những bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng kiểm tra một môn học theo Thông tư 22 chưa sát thực tế nên nhà trường lúng túng trong quá trình thực hiện.

Để triển khai hiệu quả Thông tư 22, trong những năm tiếp theo, nhiều giáo viên cho rằng, ngay đầu năm học các trường cần triển khai chi tiết, cụ thể đến từng tổ nhóm chuyên môn về các quy định kiểm tra, đánh giá. Từ đó, thảo luận thống nhất các nội dung, hình thức, sản phẩm kiểm tra, đánh giá, bảo đảm phù hợp với đặc trưng bộ môn, điều kiện thực hiện của nhà trường. Cùng với đó, tăng cường đổi mới hình thức kiểm tra để có tính khách quan và chính xác hơn.

Không ít giáo viên âu lo liệu có tình trạng mỗi nơi ra đề kiểm tra ở một mức độ khác nhau, dẫn tới kết quả không phản ánh đúng chất lượng dạy học? Theo ngành giáo dục, những bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông chứ không phải theo cảm tính của giáo viên hay nhà trường.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Return to top