ClockThứ Ba, 11/04/2023 14:08

Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc: Liệu có đáng lo?

TTH - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025. Đáng chú ý, thí sinh học chương trình THPT dự thi 6 môn, gồm: 4 môn học bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ trẻPhạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

leftcenterrightdel
 Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương tham quan Đại Nội

Hợp lý nếu trở thành môn học bắt buộc

Câu chuyện về tầm quan trọng của môn lịch sử trong chương trình đào tạo phổ thông đã trở thành chủ đề tranh luận trên nhiều diễn đàn. Theo cô Lê Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Hà Trung (Phú Vang), lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) thì việc trở thành môn thi bắt buộc là hợp lý. Hiện tại, sách giáo khoa mới lớp 10 đã khắc phục được phần nào sự nặng nề, hàn lâm của kiến thức môn học.

Tất nhiên, khi 100% học sinh phải thi môn lịch sử sẽ khó khăn hơn đối với những em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Theo cô giáo Tống Thị Hà Nhi, giáo viên dạy môn lịch sử, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế), dù lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn, điều quan trọng nhất là giáo viên cần thay đổi để môn học này trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh.

Kết quả thi THPT môn lịch sử ở Thừa Thiên Huế năm học 2021-2022 có dấu hiệu khởi sắc là tín hiệu vui. Sự thay đổi này do giáo viên biết cách thay đổi phương pháp dạy học, học sinh biết biến nỗi sợ điểm liệt thành động lực học tập, chứ không chỉ đơn giản là vì đề thi dễ.

Tại hội nghị bàn giải pháp để cải thiện điểm số môn lịch sử năm học 2022-2023, đại diện các trường cho rằng, cần tổ chức hội nghị chuyên đề về dạy học, về phương pháp hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu gắn với tăng cường các hoạt động trải nghiệm và dạy học di sản văn hóa địa phương. Còn để đạt kết quả thi tốt, nên xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan vừa sức với học sinh và cho phổ biến rộng rãi. Kiểm tra đánh giá kỳ 1 lớp 12 nên bỏ phần tự luận, vì thi tốt nghiệp chỉ đánh giá trắc nghiệm khách quan. Cùng có ý kiến, các trường nên sớm đưa phòng thực hành vào sử dụng và cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn cụm, tạo điều kiện để học sinh giao lưu và học hỏi kinh nghiệm.

Đổi mới phương pháp dạy và học

Học sinh không hẳn không thích học lịch sử, chỉ là do áp lực về khối lượng lớn kiến thức cùng việc chưa có phương pháp giảng dạy lôi cuốn của giáo viên mà thôi. Cách tốt nhất là phải thay đổi phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh.

leftcenterrightdel
 Học sinh tham quan các di tích trên địa bàn TP. Huế

Từ năm học này, hướng dạy khiến học sinh hào hứng tìm hiểu kiến thức môn học chính là dạy học theo dự án. Nghĩa là, học sinh sẽ chia theo nhóm, thực hiện các dự án tự tìm hiểu kiến thức, dựa trên gợi ý của giáo viên, sau đó làm thành những bài tiểu luận nhỏ. Giáo viên sẽ là người tổng kết lại, đánh giá từng sự kiện, giai đoạn. Theo cô Dung, giáo viên đã tạo hứng thú bằng phương pháp lồng ghép đóng vai, kể chuyện minh họa cho bài giảng. Giáo viên có thể vừa là người dẫn chuyện; đồng thời, là người dẫn dắt, gợi ý giúp học sinh nắm vững cốt truyện.

Để thu hút học sinh vào bài học, tôi thường sử dụng các câu chuyện lịch sử kết hợp quan sát và kênh hình. Đơn cử, những bài học có liên quan đến một cuộc khởi nghĩa, cô sử dụng bản đồ, sa bàn… để tường thuật nội dung sinh động. Ở tiết học khác, cô Dung lồng ghép thơ, văn học và lịch sử có nhiều sự gắn kết với nhau. Đôi khi, một tác phẩm văn học tự nó đã là tư liệu lịch sử, cô Dung cho biết.

Còn về phía học sinh, cũng đã cảm nhận về môn lịch sử tốt hơn khi giáo viên thay đổi phương pháp dạy học. Em Nguyễn Quỳnh Như, học sinh lớp 10 Trường THPT Cao Thắng chia sẻ: "Không chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô đầu tư thêm các bài giảng, video thú vị về kiến thức lịch sử. Học sinh cũng có thể tiếp cận kiến thức lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cách để vừa học vừa chơi”.

Đã đến lúc phải khơi dậy trách nhiệm “Dân ta phải biết sử ta” (Hồ Chí Minh - Lịch sử nước ta) và niềm đam mê môn sử. Mỗi giáo viên phải là một “thực tiễn giáo dục” phong phú, giúp học sinh khám phá, giải mã, suy ngẫm về quá khứ thông qua các nguồn sử liệu, từ đó hình thành nên nhân cách, phẩm chất, năng lực người học. Giáo viên nên lồng ghép tham quan thực tế trong chương trình học giúp học sinh hướng về cội nguồn dân tộc, khơi gợi lòng tự hào và biết ơn. Được trải nghiệm bằng mọi giác quan cũng giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn, cảm thấy gắn bó với môn học.

Bài, ảnh: HUẾ THU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

TOP 9+ Khóa học PTE chất lượng
Return to top