Phụ huynh chọn sách cho con trong những ngày đầu năm
Tăng xin, giảm mua
Dạo quanh các nhà sách trong mùa tựu trường, lác đác bắt gặp phụ huynh dẫn con đi mua sắm đồ dùng học tập. Nhìn con phấn khởi, chị Thu Hồng đang chọn ba lô tại nhà sách Lạc Việt, chia sẻ: “Ra tết đến chừ tôi không có việc làm nên đợi con đến ngày gần nhập học dành dụm được ít tiền mới dẫn con đi mua sách, vở. Loay hoay chỉ mấy món đồ dùng cần thiết mà tốn đến hơn 700 ngàn đồng”. Con gái chị năm nay lên lớp 8, muốn xin mẹ mua thêm máy tính bỏ túi. Chị Hồng được nhân viên giới thiệu loại máy tính tích hợp có nhiều chức năng có giá hơn 400 ngàn đồng, chị đành hẹn hôm khác trong sự tiếc nuối của con. Nhìn quanh nhà sách dễ bắt gặp hình ảnh nhiều phụ huynh khẽ chau mày khi con muốn mua thêm đồ dùng học tập nhưng lại nằm ngoài “danh mục” của mẹ.
Không đủ tiền để sắm sửa cho con, nhiều người đánh tiếng xin sách giáo khoa từ sớm. Ngân, bán bánh mì ngay đường Đặng Huy Trứ, TP. Huế kể: Từ ngày bùng phát dịch COVID-19, xe bánh mì của em ế ẩm khi sinh viên về quê. Bán cả ngày cũng được tầm 30 ổ mì, vài chục gói xôi. Chồng cũng thất nghiệp dài ngày nên thu nhập giảm sút nghiêm trọng”.
Ngân không biết chữ nhiều, học hết lớp 3 thì nghỉ học nên bây giờ ước mơ của cô là lo cho con học hành đàng hoàng. Mừng cho Ngân khi cả hai cô con gái đứa lớp 6, đứa vừa lên lớp 10 đều học giỏi, thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Trong cái khó ló cái khôn, Ngân xin hai bộ sách cũ, bao bọc cẩn thận lại cho con. Cô hàng xóm tốt bụng cho hai chị em chục cuốn vở, cả bộ áo dài, đôi giày còn mới toanh... Vậy là cũng đỡ được phần nào. Con heo đất ngày nào Ngân cũng “cho ăn” nhưng mãi vẫn không no bụng. Trong khi, số tiền chuẩn bị cho con đến trường ngót nghét cũng lên đến bạc triệu. Ngân cười buồn, năm nào con bé đầu cũng đi làm thêm trong hè để có tiền chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Năm nay đành chịu, mọi thứ chi tiêu đều dè sẻn mà cứ thiếu trước hụt sau.
Ở nơi đông lao động tự do như xóm tôi thì hoàn cảnh như Ngân không thiếu. Chủ yếu là nhân viên ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nghỉ việc dài hạn, khi công ty hoạt động cầm chừng. Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp được tích cóp để sắm sửa cho con trong mùa tựu trường, nhưng vẫn như muối bỏ bể. Thế nên, không ít người đã nhờ sự trợ giúp của người thân…
Niềm vui đến trường của con trẻ
Chia sẻ với học trò nghèo
Chưa bao giờ tôi thấy phong trào quyên góp áo quần cũ, đồ dùng học tập cho học sinh nhiều như năm nay. Bắt đầu từ nhu cầu của nhiều phụ huynh gặp khó khăn nên người cho đồ cũ có, đồ mới có, lạ ở chỗ là cả người cho và người nhận đều vui. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt rạng rỡ của anh Minh, shipper của một quán ăn ở đường Đào Tấn tiết lộ, em gặp may, có một chị khách quen, biết em gặp khó khăn nên tặng con em chiếc xe đạp. Cũ người mới ta, em đã sửa lại cho cháu đi học, chứ cứ nhờ bạn chở mãi cũng kỳ.
Hôm qua trên các trang mạng xã hội, nhiều giáo viên mừng khấp khởi khi các “mạnh thường quân” đã tặng hàng trăm bộ sách giáo khoa, áo quần cho học trò nghèo. Hay, chương trình “Cùng em đến trường” do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động đã chuyển đến hàng ngàn quyển vở mới, sách bút để hỗ trợ con của công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Có một điều tôi biết họ ấm lòng khi những đứa con của họ trở nên hiểu chuyện hơn bao giờ hết, áo quần cũ cũng được, dần dần mẹ sắm sau cũng không sao, miễn là được đến trường. Chị Hạnh, nhân viên lễ tân trải lòng, thấy thương cô con gái đầu cấp học khi toàn là dùng đồ cũ hoặc mua hàng giảm giá. May mắn là các con chị học rất giỏi nên năm nào cũng được nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó. Sự đồng hành, tiếp sức ấy giúp chị thêm quyết tâm không để con em mình bỏ học giữa chừng bất cứ ở trong hoàn cảnh nào…
Hành trình cho con theo đuổi cái chữ của nhiều gia đình quả là hết sức khó khăn, vì phải gồng gánh quá nhiều chi phí, nhất là đang trong mùa dịch. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến những giáo viên ở các trường vùng ven, mỗi khi vào năm học, họ đã phải chịu khó chia các khoản đóng của phụ huynh như bảo hiểm y tế, đồng phục, bán trú, xây dựng trường…để thu nhiều lần. Vẫn biết là thêm việc cho giáo viên chủ nhiệm, nhưng đây cũng là một cách giảm khó cho phụ huynh khi dịch COVID-19 vẫn đang còn phức tạp.
Bài, ảnh: Huế Thu